Vạ miệng là ‘lên phường’

Hoàng Minh 31/07/2020 15:31

Những năm qua, mạng xã hội đang trở thành công cụ gắn kết người nổi tiếng với công chúng. Nhưng đây cũng là “con dao 2 lưỡi” bởi sự bất cẩn hoặc thậm chí cố tình từ chính những người của công chúng.

Nhiều nghệ sĩ đã bị xử phạt vì vạ miệng trên mạng xã hội.

Dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát tại Việt Nam, cũng là lúc những mạng xã hội như Facebook, Instagram lại sôi nổi với những câu chuyện xung quanh đề tài này. Từ các room chat, group, trang cá nhân… tin tức về Covid-19 đang được mọi người truyền đến nhau một cách nhanh chóng, thậm chí còn nhanh hơn các nguồn thông tin báo chí chính thống.

Tuy nhiên, khi 1 người thông tin cho 10 người, 10 người cho 100 người… thì không phải lúc nào những tin tức đều chính xác tuyệt đối, nếu không nói là đã được cải biên, thay đổi so với sự thật. Không khó để bắt gặp nhưng tin đồn có bệnh nhân tử vong, phát hiện ca nhiễm mới ở đâu đó hay những phát ngôn chỉ đạo hoàn toàn chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Đáng buồn hơn, nhiều phát ngôn lại từ chính những người nổi tiếng, những người của công chúng.

Mới đây, ca sĩ Hòa Minzy đã bị Sở TTTT Hồ Chí Minh xử phạt 7,5 triệu đồng về chia sẻ thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân của mình.

Đây cũng không phải lần đầu một người nổi tiếng bị mời “lên phường” làm việc, trước đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng có đã phải nhận những án phát cho việc “lỡ lời” trên trang cá nhân của mình.

Ca sĩ Hòa Minzy bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì chia sẻ phát ngôn giả mạo Phó Thủ tướng.

Thực tế cho thấy, với những người nổi tiếng đang sở hữu những trang mạng cá nhân có hàng trăm nghìn đến hàng triệu người theo dõi thì tầm ảnh hưởng của những phát ngôn được đăng tải trên đó là rất lớn.

Chính vì vậy, với những người nổi tiếng phải ý thức được lời mình nói ra sẽ được phát tán trên diện rộng, việc giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo khi phát ngôn là điều nghệ sĩ phải đặc biệt để tâm.

Một lần chia sẻ thông tin sẽ ảnh hưởng, chi phối đến hàng nghìn, hàng triệu người. Chỉ cần một dòng tin tức hay một quan điểm lệch lạc, không đơn giản chỉ nghệ sĩ gặp rắc rối với phát ngôn mà khán giả cũng sẽ bị “ngộ độc tin tức”.

Như câu chuyện Covid-19, trong khi toàn ngành y tế Việt Nam đang gồng mình lên để đối phó thì thay vì trở thành những đại sứ gắn kết cộng đồng thì nhiều người nổi tiếng đang có những cách làm thiếu cảm thông và hợp tác.

Cho dù, việc lên phát ngôn trên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý kiến của mỗi người, thậm chí là vô tình nhưng với những thông tin sai lệch thì hậu quả thật khôn lường. Thậm chí những lời xin lỗi “muộn màng” hay những khoản phạt cũng khó lòng bù đắp lại cho tổn thương về tâm lý, sức khỏe của nhiều người.

Theo nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz nhìn nhận, những phát ngôn “mạnh miệng” tỏ ra là người “thạo tin” của bộ phận người nổi tiếng xuất phát từ việc mội trường làm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có phần “dễ dãi”. Những bê bối đôi khi đang xây dựng nên sự “ảo tưởng” về nổi tiếng.

Trong khi đó, khái niệm tẩy chay vẫn còn khá mới lạ với đại đa số những hâm mộ ở Việt Nam. Nếu những nền giải trí khác như Trung Quốc hay Hàn Quốc đều không mấy khi dễ dãi với người nổi tiếng phạm sai lầm. Chỉ một lần vạ miệng cũng đủ phá tan sự nghiệp.

Chính sự “dễ dãi” này hiện nay ở Việt Nam nhiều người được cho là người của công chúng không hẳn đến từ tài năng mà xuất phát từ những hành động sai lệch, phản cảm, những phát ngôn gây sốc. Việc nghệ sĩ lên mạng xã hội để đấu tố nhau với mục đích cho khán giả biết đến mình không phải là câu chuyện mới, những vẫn đang được nhiều người áp dụng.

Có lẽ đã đến lúc người hâm mộ cũng cần có những định lượng nhất định trong khái niệm về người của công chúng, người nổi tiếng. Ở đó người nổi tiếng không chỉ đòi hỏi về tài năng mà hơn cả là tư cách đạo đức, ứng xử với công chúng.

Hoàng Minh