Ý định tốt... bất khả thi
UBND TP HCM vừa có công văn gửi UBND các quận, huyện yêu cầu triển khai việc “phạt nguội” đối với những trường hợp “tè bậy”, xả rác nơi công cộng.
Cụ thể, các quận, huyện sẽ thực hiện việc trích xuất camera để phát hiện những trường hợp vô ý thức đi vệ sinh và xả rác nơi cộng cộng, từ đó gửi biên lai phạt đến các cá nhân vi phạm. Xuất phát điểm của quy định trên là rất tốt, nhưng trên thực tế thì việc “phạt nguội” đối với các trường hợp xả rác, đi vệ sinh nơi công cộng gần như là bất khả thi.
Tại sao lại nói chủ trương trên của UBND TP HCM là bất khả thi? Đơn giản là việc “phạt nguội” trong bất kỳ lĩnh vực nào ở Việt Nam hiện nay đều rất khó, vì người dân hầu hết đều tiêu tiền mặt chứ chưa có thói quen dùng tài khoản. Khi người dân không có tài khoản ngân hàng thì làm sao để cơ quan chức năng có thể chế tài khi họ không chấp hành biên lai “phạt nguội”? Không những không thu được tiền phạt, lại tốn kém trong việc in hóa đơn, chi trả cho người quản lý dữ liệu camera... thì liệu có ai sợ không?
Về nguyên tắc, muốn “phạt nguội” người vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước phải nắm được “tóc” của họ, tức là phải có cơ sở để chế tài khi người vi phạm không chấp hành việc nộp phạt.
Nói đơn giản, cơ quan quản lý nhà nước cần nắm được “hầu bao” của người vi phạm, để trong trường hợp gửi biên lai phạt đến mà họ không chấp hành thì có thể cưỡng chế thu tiền. Trong trường hợp cụ thể này, cơ quan quản lý nhà nước cần nắm được tài khoản ngân hàng của người vi phạm để có thể yêu cầu trừ tiền cho biên lai phạt.
Chưa nói đến việc yêu cầu các ngân hàng hợp tác trừ tiền khách hàng đã khó, riêng việc làm sao nắm được tài khoản ngân hàng của người vi phạm đã là cả vấn đề nan giải. Hơn nữa, đâu phải người dân nào cũng có tài khoản ngân hàng để mà trừ tiền, kể cả trong trường hợp nhận được sự hợp tác tích cực của các nhà băng. Với thói quen tiêu tiền mặt lâu nay của người dân, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có một khả năng duy nhất là trông chờ vào sự tự giác nộp tiền phạt, bởi không ai có thể móc tiền trong túi họ.
Và tất nhiên, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại chỉ trông chờ vào sự tự giác nộp thì còn khó hơn cả lên trời. Trên đời làm gì có ai tự móc tiền trong túi ra để nộp cho người khác nếu không bị cưỡng chế, bắt buộc?!
Nếu không thể chế tài, chỉ trông vào sự tự giác của người dân thì tỷ lệ nộp phạt sẽ là bao nhiêu phần trăm, hiệu quả mong muốn về văn minh đô thị có đạt được không chẳng cần nói chắc ai cũng có thể hiểu được. Đã như vậy thì có nhất thiết phải ra quyết định hành chính về việc “không tưởng” này không?
Nói như vậy không có nghĩa tôi muốn bài trừ chủ trương trên của UBND TP HCM. Phải khẳng định ngay và luôn rằng, tôi và đông đảo người dân khác trên khắp cả nước hết sức ủng hộ chủ trương văn minh đô thị, tạo hình ảnh một đô thị xanh - sạch - đẹp.
Song, cũng phải thẳng thắn mà nói với nhau rằng, chủ trương chính sách gì thì cũng phải dựa trên cơ sở thực tiễn để có tính khả thi khi triển khai áp dụng. Nếu cứ “đút chân gầm bàn, ngồi máy lạnh” để ban hành chủ trương chính sách, e rằng nó sẽ “chết yểu” mà thôi.
Đơn cử như việc “phạt nguội” người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện thời gian qua cũng không phải là đã đạt được hiệu quả như mong muốn. Người và phương tiện giao thông vi phạm được truy xuất đến tận cùng địa chỉ mà còn khó chế tài nộp phạt, huống hồ những trường hợp tè bậy xả rác rất khó xác định danh tính, địa chỉ.
Hơn nữa, người vi phạm giao thông ngoài bị chế tài nộp tiền còn có chế tài khi đăng kiểm xe, nếu không chịu nộp phạt thì các trung tâm đăng kiểm sẽ không cho phương tiện lưu hành.
Đối với người và phương tiện vi phạm giao thông có quy trình và các biện pháp chế tài chặt chẽ như vậy mà còn khó khả thi. Thử hỏi làm sao có thể chế tài đối với những người đái bậy, xả rác bừa bãi nơi công cộng?
Không thể cứ đề ra chủ trương chính sách gây lãng phí nhân lực và tiền bạc vào một công việc vô bổ mà rồi không mang lại kết quả gì. Tiêu tốn tiền ngân sách để rồi đô thị vẫn nhếch nhác bẩn thỉu, người dân lại thêm nhờn luật, giỡn mặt với chính quyền thì liệu có nên chăng?
Ý định tốt cũng cần thực hiện đúng nơi, đúng chỗ, thậm chí là cần đúng lúc nữa!