Thêm một khảo cứu về điện ảnh

Thư Hoàng 02/08/2020 10:00

Điện ảnh Việt Nam đã có tuổi đời gần 100 năm với hơn 1.000 bộ phim từng ra mắt công chúng. Nếu điện ảnh miền Bắc đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những phân tích, nghiên cứu và mổ xẻ tương đối sâu rộng trên hầu khắp các diễn đàn thì vẫn còn tồn tại một khoảng trống ít người nghiên cứu, tìm hiểu đó là điện ảnh miền Nam trước năm 1975.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm gặp gỡ diễn viên Kiều Chinh tại Mỹ để phỏng vấn cho cuốn sách “Người tình không chân dung”.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm gặp gỡ diễn viên Kiều Chinh tại Mỹ để phỏng vấn cho cuốn sách “Người tình không chân dung”.

Năm 1959 được coi là điểm mốc với sự ra đời của bộ phim truyện điện ảnh Cách mạng đầu tiên “Chung một dòng sông”. Trong khi đó tại miền Nam, điện ảnh tư nhân đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1955 và đạt đến đỉnh cao về số lượng vào năm 1957 khi có tới 37 bộ phim truyện được sản xuất.

Nền điện ảnh ở miền Nam hoàn toàn phát triển theo quy luật cung cầu và điều tiết theo thị trường. Nhiều hãng phim tư nhân xuất hiện từ rất sớm nhưng cũng tàn lụi rất nhanh. Tức là nếu thất bại về doanh thu và hết vốn, họ tự động đóng hãng phim. Chất lượng yếu kém về kỹ thuật, nội dung sơ sài và nặng tính sân khấu, cộng với phải chịu mức thuế quá cao và không có sự bảo trợ của chính phủ, điện ảnh miền Nam phát triển rất nhanh trong vài năm đầu rồi thoái trào chóng.

Tuy vậy, trong gần 20 năm tồn tại, điện ảnh miền Nam cũng đã kịp xây dựng được một thị trường điện ảnh. Cho dù hầu hết những bộ phim trong giai đoạn này đều mang tính giải trí, hướng tới khán giả bình dân vốn thần tượng các ngôi sao của sân khấu kịch nghệ chuyển sang điện ảnh, nhưng vẫn có một số tác phẩm có giá trị do những đạo diễn được đào tạo bài bản hoặc có tư tưởng cấp tiến thực hiện.

Cuốn sách “Người tình không chân dung - Khảo cứu điện ảnh Sài Gòn 1954-1975” (NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn ấn hành) dày 300 trang, in màu, với nhiều bức ảnh tư liệu, được tác giả dày công sưu tập, thực hiện trong nhiều năm. Để hoàn thành cuốn sách tâm huyết này, Lê Hồng Lâm đã dành nhiều thời gian tìm gặp, tiếp xúc, trò chuyện với các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng, trong đó có cả những người hiện đang sống ở nước ngoài. Vì thế, ta có thể gặp lại “tứ đại mỹ nhân” điện ảnh Sài Gòn qua cuốn sách, đó là Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kim Cương, hay “thần Vệ nữ” Kim Vui và tài tử Trần Quang- người được ví là “Clark Gable Việt Nam”…

Lê Hồng Lâm là nhà phê bình điện ảnh thế hệ 7X, từng có thời gian dài làm báo. Trước cuốn sách này, Lê Hồng Lâm đã xuất bản cuốn sách khảo cứu “101 phim Việt Nam hay nhất” và nhiều sách về phê bình điện ảnh khác.

Thư Hoàng