Giấc mơ bên đôi bờ sông Hồng

Nguyên Khánh 02/08/2020 09:00

Hà Nội sẽ sớm tái khởi động quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng. Quy hoạch không chỉ hiện thực hóa giấc mơ về đô thị sẽ mọc lên ở hai bờ sông Hồng mà còn giải quyết được những bức bối của người dân sống tại khu vực này nếu quy hoạch mãi nằm trên giấy.

Phối cảnh vị trí xây dựng cầu Tứ Liên (năm 2017).
Phối cảnh vị trí xây dựng cầu Tứ Liên (năm 2017).

Gần 30 năm và giấc mơ thành phố hai bờ sông

Trong gần 30 năm qua, có một số dự án quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thành hiện thực.

Chẳng hạn, dự án Trấn Sông Hồng năm 1994, nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với thành phố, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.

Giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.

Năm 2016 có 3 doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3, tuy nhiên, mọi thứ vẫn án binh bất động.

Nhiều hệ lụy từ quy hoạch treo

Hiện nay, dải đất ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống khá tạm bợ, phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà một phần nguyên nhân là do chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Chính vì thực trạng quy hoạch “lơ lửng” nên dù sinh sống bao đời nay, người dân khu vực ngoài bãi không được cấp phép, xây mới nhà cửa.

Tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), hiện có khoảng hàng trăm hộ dân đang sinh sống, xây dựng nhà cửa ở ven đê sông Hồng. Theo lý giải của lãnh đạo phường, có khu vực người dân đã sinh sống ổn định sản xuất nhiều năm nay, song cũng có một số trường hợp người dân mới lấn chiếm phần đất sản xuất để xây dựng chui các công trình nhà ở. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý và cưỡng chế phá dỡ nhiều công trình xây dựng sai phạm.

Cũng theo vị lãnh đạo phường Nhật Tân, đối với những khu vực dân cư đã sinh sống ổn định trong thời gian dài, nhiều công trình nhà ở đã bị xuống cấp, muốn sửa chữa cải tạo lại nhưng chính quyền địa phương lại rất khó xử lý vì chưa có văn bản hướng dẫn hay cho phép của thành phố.

Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng khi “đi không được, ở không xong”, việc quy hoạch khi chưa được phê duyệt đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, nạn đổ trộm phế thải, rác thải xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Chưa kể, việc nhiều tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục ha đất rồi cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích đã làm “dậy sóng” dư luận.

Tại cuộc làm việc của Hà Nội với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, việc cần thiết của thành phố là phủ kín quy hoạch theo quy hoạch tổng thể Thủ đô hiện có, nhất là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông. Tuy nhiên, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, vấn đề thoát lũ vẫn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm khẩn trương phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai.

“Thực tế, thành phố đã bỏ lỡ một cơ hội cách đây 3 năm rồi. Chúng tôi mong có hướng dẫn của Bộ, trình Thủ tướng phê duyệt, hoặc có phương án ủy quyền cho thành phố triển khai”, ông Huệ nói.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, nếu không làm được quy hoạch thì “cứ để thế này mãi”. “Từ trật tự xây dựng, mỹ quan, đất bãi không ai dám đầu tư. Bởi không có quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau đó xóa đi làm lại. Thế thì có ai dám đầu tư. Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Tất cả đều chờ quy hoạch hết. Có đất bãi giữa ở quận Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Án binh bất động hết”- Bí thư Hà Nội nói.

Phải sớm có phương án thích hợp

Không thể chậm trễ trong việc quy hoạch thành phố ven sông, KTS Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định. Theo đó quy hoạch này yêu cầu quan trọng nhất là việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị của sông Hồng, kết hợp với xây dựng đô thị - nông thôn và các khu chức năng khác ở hai bên sông. Chẳng hạn, quy hoạch cần định hướng phát triển theo kịch bản như thế nào để khai thác hiệu quả giá trị dòng sông, với việc xây dựng các đô thị, vùng nông thôn, các khu du lịch, nghỉ mát, các vùng chuyên canh lớn. Điều đó cho thấy thái độ trân trọng trước những giá trị vô cùng to lớn của sông Hồng, đòi hỏi phải có cách ứng xử phù hợp, thống nhất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quan niệm phát triển đô thị hiện nay trên thế giới ngoài chuyện đô thị xanh, còn quan tâm phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm, gắn với hệ sinh thái tại chỗ. Triết lý đó nên được áp dụng vào quy hoạch sông Hồng. Nghĩa là, khu đô thị mới phải phù hợp tài nguyên nước của sông Hồng và hình thái đó phải phù hợp bản địa của những người đang cư trú tại đây.

TS Đào Ngọc Nghiêm.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Không thể “đẻ” các tòa cao ốc phủ kín hai bờ sông

Thực tế cho thấy các đô thị ven sông không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở và giúp tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch. Vì vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị ven hai bờ sông Hồng là hết sức cần thiết nhưng phải lưu tâm 3 vấn đề.

Thứ nhất, để khai thác hiệu quả bờ sông Hồng phải quy hoạch hai bờ sông Hồng trở thành trục cảnh quan chính của TP Hà Nội. Để là trục cảnh quan chính của Hà Nội thì vấn đề khai thác hai bên bờ sông Hồng thế nào cần được chú trọng quan tâm. Không thể lại đẻ ra các công trình cao tầng phủ kín hai bên bờ sông Hồng gây áp lực lên cảnh quan môi trường hai bên sông Hồng vốn đang bị ô nhiễm nặng nề nhiều năm nay do sự buông lỏng trong công tác quản lý. Vì thế không chỉ đẩy mạnh công tác trị thủy, việc cải tạo cảnh quan môi trường quanh đây cũng cần được chú trọng”

Thứ hai là, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng không chỉ có chức năng để sử dụng đất. Bên cạnh việc kế thừa quy định hành lang thoát lũ mới thì phải đặc biệt quan tâm tới quy hoạch giao thông tại hai bên bờ sông Hồng. Quy hoạch này đòi hỏi phải tổng hòa, tích hợp được nhiều yếu tố từ văn hóa, kinh tế, xã hội cho tới giao thông đi lại. Các đô thị ven sông không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở mà quan trọng hơn là phải tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch. Như vậy, mục đích không phải chỉ là lấy được đất làm quy hoạch mà còn phải đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối nhằm giải quyết các vấn đề đi lại, di chuyển của người dân mới giữa hai bên bờ sông Hồng với khu vực nội đô cũng cần được tính toán thật kỹ.

Thứ ba, để đảm bảo dòng sông cũng phải tính đến hành lang thoát lũ của sông Hồng bởi dòng sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, qua rất nhiều tỉnh thành không thể khống chế được lưu lượng nước chảy trên sông. Như vậy, hành lang thoát lũ là vấn đề quan trọng, vừa đảm bảo cho dòng sông đồng thời phải tạo ra khả năng ứng phó được với biến đổi khí hậu.

Nguyên Khánh