Thận trọng với vàng!

Thuý Hằng 02/08/2020 09:08

Cùng với chuyện Covid-19 bùng phát trở lại thì câu chuyện giá và sự rung lắc của thị trường chứng khoán là câu chuyện được nhiều người quan tâm trong tuần vừa qua. Giới quan sát cũng như nhà đầu tư khuyến cáo vẫn phải rất thận trọng với giá vàng khi quyết định mua vào - bán ra và “quan sát thật tinh tường” trước khi khớp lệnh với chứng khoán.

Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội.
Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội.

Giá vàng tăng gần 30% - phải chăng đó là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất?

Sốt giá vàng nhưng không gây ra cảnh hỗn loạn bán mua như 10 năm trước là những điều đang diễn ra trên thị trường hơn 2 tuần nay. Tuy nhiên bài viết chỉ nhìn lại dữ liệu trong tuần vừa qua, từ ngày 27/7 đến ngày 1/8.

Tại thị trường vàng, những cụm từ dành để miêu tả giá chính là “ xô đổ mọi kỷ lục”, “tăng nóng”, tăng thẳng đứng” ,“ biến động”...

Tính ra, gần 10 năm trở lại đây, tuần vừa rồi các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý mới lại tái diễn cảnh người xếp hàng mua bán, tham khảo giá vàng. Dù cảnh xếp hàng không hỗn loạn, không xô đẩy, không thể xử lý nổi như 10 năm trước. Giá vàng lên cao, nhưng người mua bán vẫn trong tiềm kiểm soát, và không hề đột biến. Có được kết quả này phải kể đến công đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi cơ quan này độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Thị trường vàng nhờ vậy đã được kiểm soát, không còn cảnh loạn giá, làm giá, đầu cơ tích trữ.

Dữ liệu cập nhật đến phiên giao dịch ngày cuối cùng tháng 7 cho biết, giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 56,60-57,92triệu/lượng (MV-BR)

Như vậy, chỉ trong vòng 7 tháng qua, giá vàng đã tăng khoảng 14 triệu đồng/lượng. Nhiều người mừng rỡ vì có được món hời to. Nhưng cũng không ít người tiếc rẻ không mua vàng từ trước. Cũng có một bộ phận khác phân vân không biết nên nhảy vào thị trường vàng hay không.

Theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra các gói kích thích kinh tế. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2020 tăng 4,31% so với tháng 6/2020, cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012.

Đáng chú ý, do tình hình trong nước lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 3,49% so với tháng trước; tăng 20,89% so với tháng 12/2019 và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước.

Sau thời điểm thống kê nêu trên, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ngày 28/7, giá vàng trong nước vượt mức 58,1 triệu đồng/lượng, đang “xồng xộc” đến mốc 60 triệu đồng/lượng- con số ít người dám nghĩ tới.

Trên thế giới giá vàng cũng tăng nóng và liên tiếp phá đỉnh. Ngày 31/7, giá vàng thế giới duy trì vùng giá cao và tăng nhẹ lên mốc 1965.64USD/ounce, tương đương 55,09triệu đồng/lượng.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao giá vàng lại tăng nhanh như vũ bão?

Theo giới chuyên gia, thứ nhất, nguy cơ suy giảm kinh tế bắt đầu từ năm 2018, bồi thêm cú giáng của Covid-19 khiến tâm lý bất an lan rộng.

Thứ hai, làn sóng bơm tiền hỗ trợ tăng trưởng chưa có dấu hiệu dừng lại, gói sau nhiều hơn gói trước. Đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008, gói hỗ trợ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ có quy mô 1.300 tỷ USD, trong chỉ vòng 3 tháng qua, Fed đã tăng bảng cân đối tài sản từ 4.000 tỷ USD lên 7.000 tỷ USD (tăng 3.000 tỷ USD). Dự kiến, trong năm 2020, bảng cân đối tài sản của Fed có thể lên tới 12.000 tỷ USD. Ủy ban châu Âu (EC) cũng công bố dự định một gói kích thích khổng lồ lên tới 750 tỷ euro (858 tỷ USD).

Giá vàng tiếp tục diễn biến khó lường.
Giá vàng tiếp tục diễn biến khó lường.

Thứ ba, thương chiến Mỹ - Trung lại leo thang, cộng thêm Covid-19 chưa có dấu hiệu được đẩy lùi tác động trực tiếp tới giá vàng.

Thứ tư, lợi suất trái phiếu ngày càng rẻ, lãi suất đang dần về 0, thậm chí âm, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi vàng tăng sức hấp dẫn.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là những phân tích để tham khảo (hoặc là lý giải), còn thì cũng không thể đoan chắc bất cứ điều gì khi mà giá vàng vẫn tiếp tục nhảy múa.

Chứng khoán rực lửa!

Bảng chứng khoán trong tuần qua phần lớn là màu đỏ - cái màu mà giới đầu tư chứng khoán ghét cay ghét đắng. Tuy nhiên, nó lại ngự trị ở thị trường này suốt nhiều ngày. Lật lại một số phiên giao dịch buồn của tuần qua cho thấy, ngày 27/7, thị trường giảm điểm mạnh gần 5%, chỉ số VN-Index có thời điểm 780,64 điểm. Tiếp tục đến ngày 29/7, thị trường giảm chạm đáy mức 779,82 điểm, giảm 4,12%...

Nhìn chung tâm lý nhà đầu tư bị xáo trộn rất mạnh trước thông tin bất lợi. Không có bất kỳ nhóm cổ phiếu nào trụ được trước sức ép chung, mất điểm. Trên sàn Hose, mã cổ phiếu giảm giá lên tới hàng trăm, còn mã cổ phiếu giữ hoặc tăng điểm chỉ lác đác.

Diễn biến của VN-Index trong tuần chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tin tức liên quan đến tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Ngoài yếu tố này ra, VN-Index cũng bị tác động từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đang và sẽ được công bố.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt còn đưa ra chiến lược đầu tư, khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng danh mục xuống mức 10-20% cổ phiếu. Lúc này ưu tiên nắm giữ các vị thế trung và dài hạn. Đồng thời hạn chế mở mới các vị thế, đề phòng thị trường tiếp tục đón nhận những tin tức tiêu cực.

Nhưng, cũng như giá vàng, thị trường chứng khoán rất có thể đảo ngược vì những nguyên nhân bất ngờ. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng nhà đầu tư rất cần có cái nhìn tinh tường, sẵn sàng bật dậy tức thì khi tình huống mới xuất hiện, cũng như phải xác định đây là cuộc chơi dài hơi.

Lựa chọn kênh đầu tư nào?

Theo thống kê của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong quý II/2020, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục xu hướng leo cao trước những diễn biến bất ngờ và kém tích cực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Kết thúc quý I/2020, giá vàng trong nước ở mức 49,68 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 5,7% so với đầu quý I và tăng 17,6% so với đầu năm, nhưng nay đã tăng hơn 20%.

Nhóm chuyên gia VEPR lý giải, nguyên nhân chính cho việc tăng mạnh của giá vàng là sự bất an của người dân quốc tế và trong nước đối với diễn biến phức tạp của Covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới.

Dự báo về giá vàng trong quý III/2020, nhóm chuyên gia khẳng định, giá vàng trong nước vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau Covid-19.

Khảo sát trên Kitco cho thấy, vàng đã sẵn sàng lên mức kỷ lục 2.000 USD/ounce. 79% chuyên gia Wall Street dự báo giá vàng tăng

Có lẽ, vàng hơn bao giờ hết trở thành nơi “trú ẩn” của nhiều người trong giới đầu tư trước bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước liên tục sụt giảm, bất động sản hầu như đóng băng, tiền gửi tiết kiệm liên tục giảm. Thế nhưng, ai cũng biết rằng, lướt sóng vàng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phải là sân chơi của những nhà đầu tư “nghiệp dư”.

Chuyên gia kinh tế, ông Phan Dũng Khánh, nói: “Từ năm 2018, tôi đã rất nhiều lần khuyến cáo nhà đầu tư mua vàng. Còn hiện nay, tôi cho rằng, những người đang nắm vàng thì nên giữ, còn những người chưa có vàng thì nên đợi nhịp giảm rồi mới mua thêm. Giá bán vàng được các nhà vàng đẩy tăng rất nhanh, song giá họ mua vào lại tăng rất chậm, nên nếu đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nguy cơ lỗ nặng”.

Vẫn theo ông Khánh, rất có thể trong vòng vài tuần tới giá vàng sẽ giảm song chỉ giảm tạm thời. “Theo dự báo của tôi, giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian ít nhất là năm tới. Vì căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế toàn cầu thì vàng vẫn sẽ là tài sản có tính thanh khoản cao nhất khi mà suy thoái kinh tế kéo dài trên phạm vi toàn cầu”- theo ông Khánh.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, giá vàng sẽ có nhiều biến động, người dân và các nhà đầu tư muốn mua vàng tại thời điểm này cần phải tính đến độ rủi ro rất lớn. Đặc biệt, tại Việt Nam, chênh lệch giữa giá mua và giá bán đang lớn, rủi ro bị đẩy cho người mua nhiều hơn.

Thuý Hằng