3.074 du khách kẹt lại Sầm Sơn do mưa bão
Theo báo cáo của UBND TP Sầm Sơn (Thanh Hoá) tính đến cuối chiều Chủ nhật (2/8), trên địa bàn thành phố còn 3.074 du khách đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên đường Hồ Xuân Hương và Khu nghỉ dưỡng FLC. Các cơ sở lưu trú đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu phục vụ du khách trong những ngày mưa bão.
Tính đến trưa ngày 2/8, hơn 7.200 tàu thuyền với gần 26.400 lao động tại Thanh Hóa đã vào bờ trú ẩn trước khi bão số 2 đổ bộ. Tuy nhiên, cơn bão số 2 được dự đoán sẽ có diễn biến phức tạp và mưa lớn kéo dài ở hoàn lưu sau bão, các địa phương trong toàn tỉnh đã và đang chủ động chuẩn bị mọi phương án để đối phó.
Tính đến 15h ngày 2/8, tại các vùng biển Thanh Hóa, thủy triều đang dâng cao kèm theo gió giật cấp 6-7, mưa lớn. Công tác phòng, chống lụt bão được các địa phương triển khai quyết liệt trước khi bão đổ bộ vào.
Tại huyện Hoằng Hóa, đến trưa cùng ngày, địa phương có 948 phương tiện là tàu thuyền, bè mảng với 2.895 lao động đã vào nơi neo đậu. Để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2, huyện Hoằng Hóa đã triển khai các nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn trên địa bàn.
Các xã ven biển cũng đã phối hợp với Bộ đội biên phòng lên phương án sẵn sàng di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Tại khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, các lực lượng tổng hợp số lượng du khách đang lưu trú và nhắc nhở du khách không ra biển để bảo đảm an toàn.
Tại TP Sầm Sơn, tất cả 1.848 phương tiện với 6.053 lao động đã về bến neo đậu tránh trú bão. Trong đó, 1.799 phương tiện với 5.667 lao động tránh trú tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá lạch Hới và khu vực lân cận; 49 phương tiện với 386 lao động đang tránh trú tại các đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn (Hải Phòng) và các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hiện trên địa bàn thành phố còn 3.074 du khách đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên đường Hồ Xuân Hương và Khu nghỉ dưỡng FLC. Các cơ sở lưu trú đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu phục vụ du khách trong những ngày mưa bão.
Tại khu vực bãi biển, thành phố đã cử lực lượng chức năng cảnh báo du khách không tắm biển khi thời tiết xấu, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 2 khi đổ bộ vào đất liền.
Để chủ động đối phó với cơn bão, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu chính quyền và các lực lượng chuyên môn của huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên địa bàn tập trung chỉ đạo các xã, phường ven biển tuyệt đối không để người dân ở lại trên các thuyền bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn cho du khách đang nghỉ dưỡng tại các khu du lịch trên địa bàn. Song song với việc phòng chống bão phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là khu vực tránh trú bão của tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu. Các địa phương sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có mưa, bão xảy ra.
Tại huyện Quảng Xương, toàn huyện có tổng số 844 phương tiện tàu thuyền đã về bến neo đậu, trong đó có 752 tàu thuyền neo đậu tại bến nhà và 92 tàu đang khai thác ở các địa phương đã vào nơi tránh trú. Công tác thông tin liên lạc được thực hiện thông suốt qua các kênh máy Icom, điện thoại và đài duyên hải.
Để ứng phó với cơn bão số 2, UBND huyện này đã ban hành 2 công điện khẩn yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho công tác phòng, chống bão. Đồng thời khuyến cáo nhân dân thu hoạch thủy sản, gia cố bờ ao để bảo vệ sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch phòng khi có mưa lớn, tuyên truyền nghiêm cấm người ở lại tại các chòi canh, lồng bè và trên các tàu thuyền đã neo đậu tại bến. Công tác khắc phục sau bão cũng đã được địa phương chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng xử lý tu sửa khi có tình huống xảy ra.
Tại các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… để đối phó với cơn bão số 2, đặc biệt là hoàn lưu sau bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.