Không còn hạ cánh an toàn

Tinh Anh 03/08/2020 14:30

Việc một số quan chức cả đương nhiệm và nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự vừa qua một lần nữa tái khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không có “vùng cấm”. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới những ai đã, đang và sẽ có ý định tham nhũng, tiêu cực, rằng nếu trót nhúng chàm sẽ không còn có thể “hạ cánh an toàn” nữa.

Từ trái qua phải: ông Nguyễn Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng.

Hai “sếp” công thương bị khởi tố

Mới đây, chỉ sau vài ngày khẩn trương điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, gửi tới Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đồng thời ra quyết định truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Cả hai cựu sếp công thương bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có liên quan đến lô “đất vàng” tại quận 1, TP HCM. Cơ quan chức năng cáo buộc các bị can Vũ Huy Hoàng và Hồ Thị Kim Thoa đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước để hàng nghìn m2 đất ngay tại quận 1, TP HCM thuộc tài sản nhà nước rơi vào tay tư nhân trái pháp luật.

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, năm 2016, bị can bị truy nã Hồ Thị Kim Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) đã được giao cho Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, trực thuộc Bộ Công thương) đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm hội nghị... và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương vẫn báo cáo ông Vũ Huy Hoàng ký, phê duyệt 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl. Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của bị can Hồ Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất ký công văn đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl.

Cơ quan điều tra xác định, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Nhà nước, đồng thời thực hiện chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bị can bỏ trốn Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản cho Sabeco thoái 26% vốn góp tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là hơn 13.000 đồng/cổ phần. Căn cứ các chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng và việc thực hiện chủ trương trên của bị can Hồ Thị Kim Thoa, các sở, ngành thuộc UBND TP HCM đã tham mưu cho bị án Nguyễn Hữu Tín ký quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái quy định, dẫn đến khu “đất vàng” bị dịch chuyển sang cho công ty tư nhân. Hiện, Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl, doanh nghiệp 100% vốn tư nhân) đứng tên quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM).

Hành vi trái pháp luật của các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và các đồng phạm đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại, thất thoát và lãng phí đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước là hơn 3.816 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2020, khi cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành các thủ tục tố tụng thì chỉ có bị can Vũ Huy Hoàng còn ở nơi cư trú, còn bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT Bộ Công an buộc phải tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, ra lệnh truy nã đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, chờ khi bắt được sẽ xử lý sau.

Đến các tướng, tá bị xử lý

Mới đây, ngày 20/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành các quyết định kỷ luật, đề nghị kỷ luật một số tướng, tá quân đội. Theo đó, có hai thiếu tướng bị kỷ luật cảnh cáo và khiển trách, một trung tướng bị đề nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật. Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4) và Đại tá Nguyễn Trọng Lương (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tham mưu, nguyên Phó Bí thư chi bộ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4). Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu 2, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2) bị khiển trách.

Còn Trung tướng Dương Đức Hòa (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, Trung tướng Dương Đức Hòa, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng và Đại tá Nguyễn Trọng Lương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Việc làm của các tướng lĩnh trên gây mất uy tín tổ chức Đảng và cá nhân của họ, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với lực lượng vũ trang nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung. Các quyết định trên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được đưa ra sau khi xem xét đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2020, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng đã bị Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Tòa nhận định, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến có nhân thân tốt, gương mẫu, có nhiều thành tích trong chiến đấu. Mặc dù xác định cần phải cách ly cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến ra khỏi đời sống xã hội một thời gian, song Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân cũng đã căn cứ các tình tiết giảm nhẹ (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sức khỏe yếu, cống hiến trong bảo vệ biển đảo...) để lượng hình khoan hồng đối với cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Một số sĩ quan cấp tá dưới quyền của cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cũng đã đối mặt với các mức án nghiêm khắc, do đã có các hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những bị án này bị cơ quan công tố quân sự cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thất thoát tài sản nhà nước là những khu “đất vàng”. Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm quyền quản lý của Nhà nước trong quản lý đất đai, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, do vậy cần có bản án nghiêm khắc để răn đe, cảnh tỉnh những người khác.

Những lãnh đạo đối mặt án tù

Cũng trong tháng 7/2020, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tiến hành các biện pháp tố tụng đối với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến. CQĐT thực hiện quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị can Trần Vĩnh Tuyến, với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Cùng bị khởi tố tội danh trên với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến còn có 4 lãnh đạo sở, ngành khác của TP HCM. Bị can Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn được tại ngoại, còn lại 3 bị can khác đều bị bắt tạm giam.

Cơ quan tố tụng cáo buộc các bị can này đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước. Cụ thể, bị can Trần Vĩnh Tuyến và các thuộc cấp bị khởi tố có liên quan đến những vi phạm tại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9, TP.HCM), với diện tích hơn 3,6 ha. Dự án này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương chuyển mục đích để xây dựng chung cư và SAGRI làm chủ đầu tư từ năm 2009. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã phải ra quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án nói trên. SAGRI và Công ty Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau.

Trước bị can Trần Vĩnh Tuyến cũng đã có hai người từng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND TP HCM (Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài) bị bắt và bị các cấp tòa tuyên những bản án nghiêm khắc do những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, làm mất quyền quản lý của Nhà nước đối với những khu “đất vàng”, tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm đất đai thuộc quản lý của Nhà nước để trục lợi. Việc không ít lãnh đạo TP HCM bị khởi tố, bắt giam không khỏi khiến dư luận xã hội sốc. Làm sao có thể không sốc khi những lãnh đạo cấp cao lại cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm để trục lợi?

Vậy nên, thái độ cương quyết của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua không chỉ loại bỏ những con sâu mọt ngày đêm đục ruỗng thân cây Tổ quốc xanh tươi, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý và công bằng xã hội. Thông điệp của Đảng và Nhà nước là rất rõ ràng: Khi vi phạm pháp luật, dù người đó là ai, ở cương vị nào cũng sẽ phải trả giá đắt, chứ không có chuyện “hạ cánh án toàn” nữa!

Tinh Anh