Hàng không chao đảo
Làn sóng Covid-19 thứ 2 trở lại đã cuốn sạch những nỗ lực của ngành hàng không trong suốt thời gian qua. Các hãng liên tục báo con số lỗ khủng, như Vietjet thiệt hại vận chuyển hàng không 2.111 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Vietnam Airlines âm 6.542 tỷ đồng. Bamboo Airways cũng dự kiến thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong quý II/2020.
Lỗ khủng
Theo đó, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2020, giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, quý II/2020 Vietjet mở rộng 52 đường bay nội địa, khai thác 14 nghìn chuyến bay, chuyên chở hơn 2 triệu lượt khách. Kết thúc quý II/2020, trong bối cảnh đại dịch, Vietjet ghi nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54%, và mức lỗ hàng không 1.122 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái (24.363 tỷ đồng). Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến tháng 6/2020 của Vietnam Airlines cũng đã lên tới 4.607 đồng.
Bamboo Airways vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Nhưng trước đó Hãng này cũng đã công bố khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng do dịch bệnh Covid-19 trong quý I/2020, và dự báo tiếp tục thiệt hại nặng nề trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 2.
Không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng, Công ty bán suất ăn máy bay cũng lần đầu báo lỗ. Cụ thể, doanh thu quý II của Công ty Suất ăn Hàng không Nội Bài thấp nhất trong nhiều năm và lợi nhuận lần đầu là số âm khi ngành hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty đạt 145 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ 2019. Công ty lỗ ròng 18 tỷ đồng sau 2 quý, trong khi cùng kỳ năm trước có lợi nhuận 24 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế ở sân bay Tân Sơn Nhất đạt 52 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với nửa đầu 2019.
Trước đó, cả 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khó phục hồi
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Để phục hồi nhanh chóng như đợt Covid-19 đầu tiên là rất khó. Như việc đặt chỗ của các hãng hàng không, chỉ trong 5 ngày, từ ngày 27 - 31/7, số lượng khách đến Đà Nẵng lên tới 80 nghìn khách. Sau lệnh dừng bay đến Đà Nẵng, ít nhất có 80 nghìn vé phải hoàn, huỷ, chưa tính lượng vé máy bay đã được hành khách đặt mua và bay trong tháng 8. Hiện các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng, đồng nghĩa với việc lỗ chồng lỗ.
Trước làn sóng bệnh dịch Covid-19 trở lại, Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia vừa đề nghị: Cần tiếp tục theo dõi tiến trình, chủ động ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh. Coi đây là điều kiện cần và hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Thứ hai, Chính phủ cần xem xét các giải pháp hỗ trợ thêm, ban hành các gói hỗ trợ mới dài hạn hơn nhằm gỡ khó, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sức chống chịu của doanh nghiệp.
Về các gói giải cứu ngành hàng không, theo ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia: Cơ chế hỗ trợ thuộc thẩm quyền Chính phủ, hiện đang nghiên cứu xây dựng. Như việc dùng ngân sách cho vay với lãi suất 0% tới nay vẫn chưa có cơ chế. Do đó, cần làm rõ đối tượng, mục tiêu, phương thức và chế độ trách nhiệm cả bên sử dụng vốn lẫn bộ ngành liên quan. Trên cơ sở đó mới có thể giao cho ngân hàng thực hiện.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ, cứu trợ hàng không là một nhu cầu cần thiết đã được triển khai trên thế giới. Nhưng tùy theo điều kiện cụ thể cũng như tình hình chống dịch của mỗi nước mà có những chính sách khác nhau. Điều đó cũng còn phụ thuộc vào năng lực tài chính quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải tự cứu mình trước, theo hướng tiết giảm các chi tiêu thường xuyên và hạn chế các hoạt động không cần thiết để tiết kiệm ngân sách trong bối cảnh không có thu nhập, không có dòng tiền vào.
Cũng theo ông Phong, ngoài hoạt động hỗ trợ tiền trực tiếp thì có thể thực hiện những biện pháp giảm các chi phí mà ngành hàng không phải chịu khi thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước như: phí, thuế hoặc là những khoản Nhà nước thu từ từng ngành hàng không. Tất cả những hoạt động này cần được nghiên cứu kỹ và mang tính khả thi cao, không nên thực hiện theo kiểu bao cấp như trước đây.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, một ý kiến được dư luận quan tâm là làm sao để ngành hàng không Việt Nam trở nên tốt hơn, vững mạnh hơn và vượt lên phía trước. Muốn vậy, bên cạnh gói giải cứu, cần tìm hiểu lại mức độ hiệu quả của những công ty hàng không ở Việt Nam. Liệu có cần nhiều hãng máy bay như vậy, nhất là việc Nhà nước làm chủ một hãng máy bay? Một tiến trình tái cấu trúc ngành hàng không nên được bắt đầu, chứ không chỉ là những gói giải cứu.