Đánh giá đúng vị trí của hợp tác xã
Việc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố (Saigon Co.op) với nhiều dấu hiệu sai phạm, trong đó có việc thực hiện chưa đúng quy định của Luật Hợp tác xã một lần nữa đặt ra hiệu quả mô hình hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế mới.
Từ sai phạm của Saigon Co.op...
Saigon Co.op hoạt động dựa trên mô hình hợp tác xã (HTX) với sự cộng hưởng sức mạnh từ 26 thành viên. Ban đầu, Saigon Co.op hoạt động với 2 chức năng chính là trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào HTX. Đến tháng 2/1996, hệ thống siêu thị Co.opmart đầu tiên ra đời, từ đây Saigon Co.op chạm chân vào kinh doanh bán lẻ.
Và Co.op mart là doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam duy nhất được đánh giá là có tiềm năng đủ mạnh để cạnh tranh với các ông lớn vốn ngoại BigC hay Aeon Mall; cũng là doanh bán lẻ Việt Nam từng tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới Auchan tại thị trường Việt Nam.
Từ khi thành lập vào năm 1989 đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký HTX, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ qua các thời kỳ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Đến nay Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (tên gọi Co.opmart) trong cả nước.
Thế nhưng, cái tên doanh nghiệp đình đám bán lẻ đáng tự hào của người Việt đang có rất nhiều sai phạm, đặc biệt là sai phạm trong thâu tóm vốn, tài sản.
Trong kết luận Thanh tra TP.HCM về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp HTX thương mại TP (Saigon Co.op), cơ quan này chỉ ra các dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản.
Trong đó sai phạm lớn nhất của Saigon Co.op là về nguồn vốn góp. Cụ thể các HTX thành viên huy động từ nguồn vốn bên ngoài chứ không phải là thành viên của HTX để góp vốn vào Saigon Co.op.
Năm 2014 việc tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op không được thể hiện tại biên bản đại hội thành viên; số vốn 2.328 tỷ đồng từ vốn tích luỹ thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op được dùng để tăng vốn điều lệ là không đúng với Luật Hợp tác xã quy định về vốn điều lệ.
Tương tự, năm 2015, Hội đồng quản trị Saigon Co.op thống nhất tăng vốn điều lệ nhưng nội dung này không được trình và thông qua tại Đại hội thành viên, vi phạm Luật Hợp tác xã; số vốn 3.180 tỷ đồng từ vốn tích luỹ thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op được dùng để tăng vốn điều lệ là không đúng với Luật Hợp tác xã quy định về vốn điều lệ…
Như vậy từ câu chuyện vi phạm vốn của Saigon Co.op đặt ra một số câu hỏi liên quan đến vai trò của người đứng đầu liên hiệp HTX. Mô hình này đang chấp chới giữa hai vấn đề: nếu như phát triển bằng mệnh lệnh hành chính thì không thành công, nhưng buông lỏng thì dễ bị sa ngã. Sự liên kết của các HTX thành viên đóng vai trò như thế nào để tối ưu hoá lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.
Đến mô hình hoạt động, quản lý của HTX hiện nay
Ông Harm Haverkort,- Giám đốc Tổ chức Phát triển Agriterra (Hà Lan) tại Việt Nam từng chia sẻ kinh nghiệm HTX tại Hà Lan được tổ chức theo mô hình “từ dưới lên trên” như sự mở rộng trang trại. Theo ông Haverkort, mục đích duy nhất của HTX Hà Lan là tối ưu hóa lợi nhuận và phân phối cho các thành viên dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ của họ.
Cũng theo ông Haverkort, tại Hà Lan, HTX tăng vốn chủ yếu thông qua tích lũy từ lợi nhuận chứ không phải từ vốn góp của thành viên. Ông cũng cho biết, phần quản trị HTX và kinh doanh là tách biệt. Hội đồng quản trị và Ban giám đốc cũng riêng biệt.
Trong khi đó phần lớn HTX tại Việt Nam cơ cấu tổ chức bao gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.Trong đó, đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của HTX. Còn hội đồng quản trị HTX là cơ quan quản lý HTX do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu.
Giám đốc (tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của HTX. Đặc biệt theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX.
Giới chuyên gia cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại thể chế, luật pháp đối với kinh tế hợp tác, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh cả tổ hợp tác; vấn đề xử lý tài sản không chia; trách nhiệm phát triển HTX của các thành viên và của doanh nghiệp; kiểm toán HTX; đào tạo nguồn nhân lực quản trị HTX
Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 91 Liên hiệp HTX; 25.282 HTX. Tổng vốn điều lệ đạt trên 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình 1.434 tỷ đồng/ HTX; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với năm 2019.