Khi nào giá thịt lợn hết đắt đỏ?
7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 93.248 tấn thịt lợn các loại, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Thịt lợn nhập là được kỳ vọng là một giải pháp nhằm kéo giảm giá thịt lợn trong nước, tuy nhiên, nhiều tháng qua, giá thịt lợn vẫn cố thủ ở mức cao.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT): Trong 7 tháng đầu năm, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với lợn giống, có 27 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 292.590 con.
Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Tại thời điểm hiện nay, giá thịt lợn nhập khẩu tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá trong nước. Giá thịt ba rọi, nạc dăm nhập khẩu là 3 - 3,5 USD/kg (không quá 82.000 đồng/kg), giò trước 1,2 - 1,4 USD/kg (không quá 33.000 đồng/kg). Mặc dù giá bán lẻ thịt lợn nhập khẩu ở kênh siêu thị thấp hơn nhiều so với thịt lợn tươi sống ở chợ truyền thống nhưng vẫn không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Do đó giải pháp nhập khẩu để bình ổn thị trường trong nước vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, phân tích về nguyên nhân thịt lợn hơi đã giảm mạnh nhưng giá thịt tại chợ chưa giảm tương ứng, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú (nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) cho rằng: Đây là hiện tượng độ trễ trên thị trường. Độ trễ trên thị trường càng lớn chứng tỏ khâu trung gian càng nhiều khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi. Để giảm thiểu được việc này điều quan trọng nhất là phải giảm được khâu trung gian để lợn thịt từ trang trại đến tay người tiêu dùng chỉ nên qua 2 - 3 khâu là cùng. Cụ thể lợn xuất chuồng nên đến thẳng lò mổ sau đó đến sạp bán thịt hoặc các kênh phân phối khác thì sẽ giảm được nhiều chi phí và giá sẽ sát với thực tế hơn.
Để cắt giảm được khâu trung gian, theo ông Phú cần sự vào cuộc và kết hợp mạnh mẽ từ Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương để quản lý chặt chẽ, nhất là tại các siêu thị. “Thời gian tới, giá lợn hơi sẽ tiếp tục giảm nhưng mức giảm sẽ không lớn. Đến thời điểm cuối năm, giá sẽ lại tiếp tục tăng khi mùa lạnh và các dịp lễ Tết khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Chỉ khi nào có khoảng 500.000 con lợn nhập khẩu về tới Việt Nam thì lúc đó mới có tác động rõ rệt đến thị trường” , ông Vũ Vinh Phú dự báo.
Phát sinh 914 ổ dịch lợn tả châu Phi
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cho biết từ đầu năm tới hết ngày 2/8, cả nước phát sinh 914 ổ dịch tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 39.000 con, tổng trọng lượng gần 2.000 tấn. Hiện nay, cả nước còn 178 xã thuộc 60 huyện của 17 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.633 con (trung bình mỗi xã có 37 con lợn bệnh phải tiêu hủy). Trước tình hình trên, Bộ NNPTNT lưu ý: Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tiếp tục thành lập đoàn công tác kỹ thuật đến các địa phương để đôn đốc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.