Sải bước dài cho diện mạo mới Tân Sơn

Tùng Duy 05/08/2020 06:49

Một sải bước dài qua 5 năm, huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ) đã vươn lên thoát nghèo thay đổi cuộc sống với những kết quả phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, chất lượng giáo dục, y tế, và đặc biệt là thu nhập sản xuất của người dân.

Ghi chép của Đại Đoàn Kết về những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở núi rừng miền tây Đất Tổ.

Trung tâm huyện lỵ Tân Sơn ngày nay.

Đất và người - thay đổi cách làm để thoát nghèo

Bạt ngàn xanh muôn triền đồi cam đường và chanh tứ mùa dọc đường bê tông dẫn vào xã Kiệt Sơn. Phía xa hơn hiện lên những na, mít, bưởi da xanh thay vì keo, bồ đề ngày nào. Sơn cước một vùng Tân Sơn giờ như một bức tranh trái ngọt trù phú khác biệt.

Mạnh dạn chuyển đổi trồng cây nguyên liệu giấy sang cây ăn quả, nhà chị Hoàng Thị Nhàn ở khu Chiềng Lớn, xã Kiệt Sơn đã biến 5ha đồi keo sang cây ăn quả. 600 gốc cam đường canh, hơn 1.000 gốc chanh tứ mùa, gần 200 gốc bưởi da xanh, chị nói đang trồng tiếp na và mít Thái, tính sơ sau vụ đầu đã có hàng chục tấn quả mỗi năm. Cán bộ kỹ thuật từ huyện ngày nào cũng tận tình về từng nhà chỉ bảo kỹ thuật trồng, chăm sóc, chị Nhàn cũng nhiệt tình giúp bà con. Giờ trong bản ngoài xã, có nhiều hộ còn bán giống nữa.

Bà con nối nhau vào thăm mô hình vườn chuồng trại nhà chị Nhàn, rồi cùng chuyển đổi trồng theo. Thêm 2 ao cá, 5 con bò và chăn 300 con gà thịt. Hai vợ chồng chị bận tối ngày nhưng cuộc sống đã khác xưa nhiều, không còn cảnh chồng con ngóng chị đi chợ bán mấy củ sắn ngoài chợ về. “Giờ bàn chuyện xây nhà tầng, mua ô tô, chứ cảnh chồng con ngóng vợ đi chợ bán mấy củ sắn đong gạo là xưa rồi” – chị Nhàn cười, tâm sự.

Câu chuyện thoát nghèo, nâng lên một cuộc sống mới của nhà chị Nhàn như một điển hình của hàng chục ngàn hộ gia đình khác ở sơn cước Tân Sơn. Thế trận dài hơi quyết tâm thay đổi diện mạo núi rừng, đời sống từng hộ dân ở một huyện nghèo thuộc diện 30A còn sót lại duy nhất của tỉnh Phú Thọ, đã được các cấp lãnh đạo từ tỉnh, huyện, các xã miền tây Đất Tổ đau đáu chăm lo, bàn bạc, tìm tòi giải pháp. Nay bão lũ, mai nắng hạn, lam lũ đất và người trên từng con dốc, triền núi, Tân Sơn từng là thách thức đối với bất kỳ cán bộ nào ở miền sơn cước này khi tham vọng thay đổi đời sống người dân.

Nghị quyết số 05-NQ/HU về thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng điểm giai đoạn 2017-2020, đổi mới cách làm, cách quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển các sản phẩm chủ lực như chè, rừng sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, gà nhiều cựa... đã mang lại hiệu quả khác biệt. Đưa bà con đi thăm vườn quả ở Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, mời cán bộ nông nghiệp giỏi từ Trung ương về tập huấn, tìm nơi tiêu thụ, đầu ra của nông sản, tổ chức đào tạo nông, lâm nghiệp tại chỗ, chương trình nào rõ kết quả đó, rút kinh nghiệm và đúc thành nghị quyết. Lợi thế tiềm năng của thổ nhưỡng vùng ven Tây Bắc có đường quốc lộ mới nâng cấp đã thực sự hiệu quả.

Không chờ đợi và ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước, câu chuyện đưa con bò lai Sind về núi cũng là cả chặng đường dài. Huyện quyết tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ cải tạo chất lượng đàn trâu, bò thịt, hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung tại các xã Minh Đài, Kim Thượng, Xuân Đài, Xuân Sơn. Một gói nguồn lực 20 tỷ đồng cho 1.200 con trâu, bò giống sinh sản đã tăng nhanh tổng đàn lên gần 13.000 con trâu, 10.000 con bò. Thịt ngon nên xuất bán rất nhanh, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2015. Một tư duy giản đơn về cây chanh leo, nó như cây ngô, cây sắn, cũng ngắn ngày nhưng hằng năm thu hoạch 6-7 lần, thương lái tìm về tận vườn mua sạch. Đồi núi Tân Sơn hợp thổ nhưỡng, thời tiết, sao không thay đổi!

Ngày nay Kiệt Sơn, Thạch Kiệt, Thu Cúc và hàng loạt xã biến chuyển giảm nghèo nhanh chóng, trung bình từ hơn 20% giờ chỉ còn khoảng 13% – con số cải thiện rõ rệt nói lên cả một nỗ lực từ bước đi dài của đất và người Tân Sơn lấy đổi mới và biến chuyển kinh tế hàng hóa nông – lâm làm chủ lực. Tân Sơn nay đã hình thành liên kết từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ một số sản phẩm như chè xanh, rượu ngô, gà nhiều cựa. Toàn huyện đã có 55 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 42 HTX, 3 làng nghề, 5 trang trại và trên 100 gia trại góp phần thay đổi đời sống từng hộ dân và giải quyết việc làm cho người lao động.

Đằng đẵng dài năm góp tên trong 60 huyện nghèo nhất của cả nước, Tân Sơn quả cảm đứng dậy thoát khỏi huyện 30A vào tháng 3/2018. Từ một địa phương yếu nội lực kinh tế với tỷ lệ nghèo 20-25% giờ chỉ còn 13% - hoàn thành mục tiêu trước 2 năm so với kế hoạch. Cũng năm 2018, xã Minh Đài đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 3 xã và 20 khu dân cư đạt tiêu chí, đã như một minh chứng cho diện mạo sức sống Tân Sơn sau bao năm nghèo đói.

Tân Sơn nay đã hình thành liên kết từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ một số sản phẩm.

Đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng và đa dạng bài toán kinh tế

Với tổng vốn đầu tư phát triển gần 4.000 tỷ đồng, thu ngân sách 5 năm đạt 225 tỷ đồng – tăng hơn 20% kế hoạch đề ra, và thu nhập bình quân đầu người đã vượt lên 24 triệu đồng, Tân Sơn đã “leo núi đâu chỉ bằng chân”. Thế trận dài hơi bài bản với tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và huyện Tân Sơn thể hiện rất rõ bằng quy hoạch công nghiệp và đặc biệt dốc mọi nguồn lực thay đổi giao thông nông thôn ở huyện miền núi này. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, Cụm công nghiệp Tân Phú với quy mô 45 ha ra đời đã có 3 nhà máy đi vào sản xuất, thu hút trên 700 lao động, giá trị sản xuất đạt trên 100 tỷ đồng. Số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, chế biến gỗ, chè ngày càng tăng.

Hàng trăm km đường giao thông, cả đường ô tô chạy và đường bê tông liên bản, liên xã được quan tâm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp. Hàng chục đập tràn đã thay bằng cầu dân sinh đi lại thuận tiện, từng bước khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ. Mạng lưới điện được đầu tư một số dự án trọng điểm và rút nhanh lộ trình cấp điện cho 48 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Chợ nông thôn, siêu thị mọc lên đã mang dáng dấp kinh doanh dịch vụ sinh động. Giờ 100% trung tâm các xã đã có mạng 4G, phủ sóng truyền hình và đặc biệt lắp cả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tới 17 xã toàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Phạm Thanh Tùng phấn khởi nói với Đại Đoàn Kết, rằng Tân Sơn còn nhiều thách thức như chăn nuôi, tiêu thụ nông lâm sản và đặc biệt còn cả chặng đường dài xây dựng nông thôn mới, nhưng chắc chắn đất và người Tân Sơn sẽ khấm khá lên bằng chè, gỗ, cây trái, tài nguyên, Tân Sơn sẽ vững mạnh lên từ truyền thống đoàn kết của 13 dân tộc (dân tộc Mường chiếm 83%) trên địa bàn. Người Mường giờ đã làm doanh nghiệp, có hợp tác xã liên kết với hộ nông dân tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá xúc tiến thương mại nông sản đang - hướng đi đúng ở miền sơn cước này. Một số xã có lợi thế về du lịch hiện đang được quan tâm đặc biệt, sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế và đời sống. Nhân lực cán bộ là rất quan trọng, đại hội Đảng lần này Tân Sơn rất chú trọng chọn ra những cán bộ gần dân nhất với chức năng, nhiệm vụ, hướng về người dân, rõ việc, rõ kết quả, giúp dân phát triển kinh tế.

Tùng Duy