Hội đồng tiền lương đưa 2 phương án: Tổng LĐLĐ không bỏ phiếu
Tại phiên họp, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã không bỏ phiếu cho 2 phương án mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra. Đây được xem là việc chưa có trong tiền lệ từ khi có Hội đồng.
Sáng ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 để thống nhất chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.
Tuy nhiên, tại phiên họp này, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã không bỏ phiếu cho 2 phương án mà Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra. Đây được xem là việc chưa có trong tiền lệ từ khi có Hội đồng.
Cụ thể, tại phiên họp sau khi ba bên đã qua bàn bạc và thống nhất chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Theo đó, hai phương án đã được đưa ra để bỏ phiếu gồm: Không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021; Chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Về việc bỏ phiếu, các bên có quyền được bỏ phiếu hoặc không bỏ là tuỳ theo quyền của mình.
Báo cáo kiểm phiếu, bà Vi Thị Hồng Minh, thành viên Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết: Có 9/13 đồng thuận với các đề xuất. Đoàn đại biểu của Tổng LĐLĐ Việt Nam không tham gia bỏ phiếu với các đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Lý giải về việc không tham gia bỏ phiếu, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Do ảnh hưởng dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế nói chung và với các doanh nghiệp nói riêng, ai cũng nhìn thấy. Đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu càng gặp nhiều tác động và khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc thảo luận và chốt phương án tăng lương hôm nay là cho năm 2021. Chính vì vậy, việc chốt phương án tăng lương cần phải đứng ở góc độ hai phía người lao động và doanh nghiệp.
“Việc điều chỉnh này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có các dự báo về tình hình khó khăn, tuy nhiên các dự báo này chưa có cơ sở đầy đủ. Hiện nay đã có những con số thống kê cho thấy nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, nhưng đó là thời điểm hiện tại, trong khi đó chúng ta bàn thảo cho việc tăng lương của năm sau. Vì vậy chúng ta cần cân nhắc, tránh vội vàng đưa ra phương án về lộ trình lương tối thiểu vùng”, ông Lê Đình Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì giải pháp tốt nhất hiện nay là tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu vùng như cũ, đến tháng 7/2021, sau đó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, mức ảnh hưởng của dịch mới bàn đến phương án có tăng hay không. Với lộ trình này vừa chia sẻ được với khó khăn của doanh nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động.