Kinh doanh truyền thống: Trong nguy có cơ
Dịch Covid-19 khiến cho các ngành nghề kinh doanh truyền thống lâm cảnh khó khăn. Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) đóng cửa vì mất khách. Nhưng, trong nguy có cơ, từ hình thức kinh doanh truyền thống, nhiều hộ kinh doanh, DN đã chuyển sang bán hàng online và thu được nhiều lợi nhuận.
Chị Nguyễn Bích Hạnh, chủ shop quần áo trên phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành đến nay, cửa hàng quần áo của chị Hạnh hầu như không có khách đến mua.
“Doanh thu bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giảm trầm trọng, đến 70%. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp chuyển sang hình thức bán hàng online, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook… và đã kéo lại được lượng khách đáng kể, bù lại cho sự thâm hụt trên kênh bán hàng trực tiếp”, chị Hạnh nói.
Theo chủ shop quần áo này, nhờ việc bán hàng online, doanh thu cửa hàng cải thiện hơn nhiều, tổng lượng hàng bán ra tăng thêm được khoảng 40% so với khi không thực hiện mua bán online.
Chị Đinh Thị Luân, chủ một tiệm bánh pizza tại Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến cho phần lớn người dân thay đổi cách mua hàng. Trước đây, cửa hàng bánh của chị rất đông khách, đặc biệt dịp cuối tuần. Tuy nhiên từ khi dịch bệnh hoành hành, khách hàng không đến mua trực tiếp nữa. Doanh thu giảm trông thấy. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang bán hàng online, chị Luân cho biết, chị đã trả lại mặt bằng kinh doanh chuyển sang ship hàng tận nơi cho khách.
“Với việc kinh doanh trực tuyến thay vì bán hàng kiểu truyền thống, bước đầu cửa hàng chúng tôi đã thu được những kết quả đáng mừng. Đơn hàng tăng mạnh từng ngày. Trung bình 10-20 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch Việc kinh doanh online giúp chúng tôi giảm chi phí thuê cửa hàng cũng như đỡ rất nhiều gánh nặng chi phí khác”, chị Luân cho biết.
Nắm bắt tâm lý khách hàng hạn chế ra ngoài mua sắm, và để hỗ trợ cho khách mua hàng, chị Luân cho biết đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới để thu hút khách hàng như phomai que vị trà xanh, pizza nhân xíu mại… và có nhiều kích cỡ khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn.
Theo chia sẻ của vị chủ cửa hàng bánh pizza, tình hình dịch bệnh khiến thu nhập của người dân giảm đi nên chị đã cố gắng giảm các chi phí để giảm giá thành sản phẩm, như vậy cả người mua và người bán đều hài lòng.
“Thời điểm này, ai cũng khó khăn nên làm sao giảm bớt gánh nặng chi phí là chúng tôi cố gắng hết sức, cùng hỗ trợ nhau kích cầu kinh tế”, chị Luân nói.
Không chỉ các cửa hàng, người bán online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng đơn hàng đặt trực tuyến thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Aha... cũng tăng lên mạnh mẽ.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trong khoảng thời gian tháng 3/2020 đến nay - thời điểm dịch bệnh hoành hành, doanh số bán hàng thông qua kênh trực tuyến ở Hà Nội đều có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi đó, các kênh bán hàng truyền thống, thanh toán tiền mặt lại có phần chững lại.
Anh Trần Văn Hiếu, một nhân viên ship hàng cho biết, kể từ tháng 3 đến nay, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng và cả những đơn vận chuyển hàng đều tăng rất mạnh. Dịch bệnh khiến cho người dân tránh đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng siêu thị và thường đặt hàng online. Thực tế này cũng giúp cho người làm nghề “vận chuyển” như anh Hiếu có điều kiện tăng thêm thu nhập. “Có thời điểm anh em shipper tại Hà Nội còn ở tình trạng quá tải”, anh Hiếu cho hay.
Nghỉ làm ở nhà nửa năm nay, nhưng chị Trần Thu Trà (Trường Chinh, Hà Nội) vẫn kiếm được thêm 6-7 triệu đồng/ tháng nhờ bán hàng qua các kênh Zalo, Facebook. Chị Trà cho biết, chị bán tất cả các sản phẩm từ giày dép, thời trang, cho đến mỹ phẩm, phụ kiện và cả đồ ăn.
“Nắm bắt được tâm lý người dân ngại đi ra ngoài vì sợ dịch, tôi quảng cáo tất cả các mặt hàng thiết yếu trên zalo, facebook và mỗi ngày nhận được hơn chục đơn hàng. Mỗi đơn hàng lãi 20-30.000 đồng thôi, ngày tôi cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng”, chị Trà nói.
Có thể thấy, Covid-19 khiến cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh suy sụp nhưng đây lại là thời cơ của kênh bán hàng online. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng bởi đặc thù của việc mua hàng trực tuyến là người mua và người bán không gặp nhau, người mua không được trực tiếp xem sản phẩm nên rất dễ bị mua phải hàng kém chất lượng.
Chính bởi vậy, trước khi “click chuột” để mua một sản phẩm, người tiêu dùng cần phải suy nghĩ kỹ và tìm mua những sản phẩm ở các DN có uy tín, có thương hiệu trên thị trường. Tránh tình trạng bị cửa hàng “treo đầu dê bán thịt chó”, mà bị tiền mất tật mang.