Cân nhắc khi tăng phí dịch vụ hàng hải
Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường vận tải biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện Bộ GTVT đang tập trung giải quyết gỡ khó cho các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực hàng hải và khung giá dịch vụ tại cảng biển. Đáng chú ý, phí dịch vụ hàng hải của Việt Nam được cho là thấp nhất trong khu vực hiện đang được các DN đề xuất tăng 10%.
Theo ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải, hiện mức giá tại khu vực I (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) đang thấp nhất cả nước, bằng 72% khu vực II (cảng biển khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và bằng 80% khu vực III (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…), bằng 30 - 60% các nước trong khu vực.
Đáng chú ý, giá bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng nước sâu của Việt Nam theo Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT về Ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam đang rất thấp (bằng 45 - 80%) khi so với những cảng chuyển tải lớn ở Singapore; Malaysia, Trung Quốc... thậm chí là cảng Phompenh (Campuchia) - một cảng sông với mức đầu tư không lớn.
Do đó, các DN cảng biển kiến nghị, giá dịch vụ xếp dỡ hàng hóa container tại cảng biển Việt Nam cần sớm điều chỉnh để tiệm cận khu vực. Và phương án tăng 10% giá dịch vụ, DN đề xuất áp dụng cả với khu vực 2 và khu vực 3.
Đại diện Hiệp hội DN vận tải biển phân tích, việc tăng giá bốc dỡ container không làm tăng chi phí logistics vì giá bốc dỡ đã được tính vào giá cước tổng, chủ tàu trả cho cảng, không phải chủ hàng trả cho cảng. Theo tính toán, chủ tàu hiện hưởng lợi từ 55-80 USD/container tuỳ vào từng cảng.
Như vậy, mỗi năm chúng ta mất khoảng 1 tỷ USD rơi vào tay các hãng tàu nước ngoài, bởi 99,9% hàng container xuất nhập khẩu là vào hãng tàu nước ngoài đảm nhận vận chuyển. Do đó, có thể khẳng định, tăng giá dịch vụ bốc dỡ container không làm tăng chi phí logistics, đồng thời sẽ không làm tăng chi phí vận tải. Do đó, nên tăng giá bốc dỡ container tại các cảng để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp cảng biển.
Về thực tế trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho hay: Tại Thông tư 54/2018, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia. Vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho DN là cần thiết.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60 - 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực. Đến một thời điểm nào đó sau 2025, phải tiệm cận bằng giá dịch vụ trong khu vực, ít nhất bằng Campuchia.
“Cục Hàng hải VN phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất của DN để hình thành được một khung giá hợp lý nhất, đảm bảo cho DN tăng được nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.
Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất quy định tăng giá dịch vụ 10%, theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), hiện đề xuất này khó khả thi do DN cảng biển chưa xây dựng cơ cấu giá thành đối với mức giá đề xuất tăng trong các năm 2022 và 2023.
Đồng thời,“đối với dịch vụ hàng không, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chỉ đạo việc kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá; trong đó phải giảm giá một số dịch vụ để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay… Vì vậy, việc quy định lộ trình tăng giá dịch vụ phải được cân nhắc và xem xét thật kỹ lưỡng”, bà Thương nói.