Quan trọng là lòng dân
Những ngày qua, dư luận nói nhiều đến chuyện “cha cất nhắc con”. Đáng nói ở chỗ dù được giải thích rằng “đúng quy trình”, song vẫn khiến dư luận “dậy sóng”. Đúng là không có quy định cấm con đảm nhiệm chức vụ bí thư thành ủy, khi bố đẻ làm bí thư tỉnh ủy cả. Tại Khoản 6, Điều 3, Quy định 205 của Bộ Chính trị về vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền cũng chỉ cấm bổ nhiệm người nhà (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) đảm nhiệm các chức danh ở cùng cấp uỷ, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị...
Tất nhiên, trong công tác cán bộ thì việc “đúng quy trình” là điều kiện tiên quyết, nhưng lại không phải là điều kiện đủ. Thực tế chỉ ra rằng, nhiều cán bộ được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng năng lực lãnh đạo không tương xứng sẽ không thể làm được việc, khiến bộ máy cấp ủy, chính quyền, đơn vị nơi đó trì trệ, khó phát triển. Đó là còn chưa kể sự bổ nhiệm ấy không thuận lòng dân, không được đồng nghiệp ủng hộ thì dù người được đề bạt có tài ba đến đâu cũng không thể phát huy tại địa phương, đơn vị.
Thời gian qua, ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị không phải là không có những trường hợp cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, chị bổ nhiệm em... Trong số đó, có những trường hợp buộc phải hủy hoặc thu hồi quyết định bổ nhiệm vì “không đúng quy trình”, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Song, cũng không ít trường hợp cố tình chây ỳ, phớt lờ dư luận, đợi “sóng gió” qua đi rồi “hòa cả làng”. Song, nhìn chung chưa có bất cứ trường hợp nào tự nguyện buông bỏ quyền lực cả.
Cha thì đương nhiên không thể vì sức ép dư luận mà thu hồi quyết định bổ nhiệm con, chồng cũng không vì sự dị nghị mà hủy bỏ quyết định bổ nhiệm vợ. Còn ở vế ngược lại, làm gì có đứa con nào, người vợ nào chịu từ bỏ chức vụ vừa được bổ nhiệm khi vẫn còn có ông bố, người chồng “to đùng” chống lưng. Chỉ đến khi không còn có thể níu kéo thêm được nữa, thì người ta mới chịu từ bỏ quyền lực trong sự nuối tiếc. Với những người như vậy, liệu có thể hy vọng họ cống hiến sức lực cho địa phương, đơn vị hay không?
Khi mà sự sân si quyền lực vẫn còn lớn, khi mà người ta cố bám thật chắc vào chức vụ có được không phải vì tài năng mà vì quan hệ, thì làm gì còn thời gian, tâm trí dành cho công việc, làm sao có thể đầu tư suy nghĩ, đề ra những sáng kiến, giải pháp nhằm đưa địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển, tiến về phía trước. Không những không góp sức cho sự phát triển của địa phương, đơn vị, những cán bộ này còn là “đá tảng” cản đường không cho những người có tâm, có tài thăng tiến, đóng góp sức lực cho xã hội.
Đáng tiếc, lâu nay có không ít cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao luôn mượn danh nghĩa “quy trình” để đề bạt, bổ nhiệm cánh hẩu, người thân lên những vị trí lãnh đạo chủ chốt. Chỉ đến khi dư luận tạo sức ép, cấp trên có ý kiến, hoặc khẳng định việc thực hiện “quy trình” chưa chuẩn, lúc đó họ mới chịu phục thiện. Chẳng phải trường hợp Trịnh Xuân Thanh được điều động luân chuyển, bổ nhiệm cũng “đúng quy trình” sao? Vậy mà sau đó cả người điều động, bổ nhiệm và bản thân Trịnh Xuân Thanh đều phải trả giá cho việc “đúng quy trình” đó.
Vào thời điểm ông Nguyễn Xuân Anh được thăng tiến lên đến chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có ai dám nói không đúng quy trình? Ấy vậy mà chỉ sau vài năm ông Nguyễn Xuân Anh bị hạ thẳng xuống chỉ còn là một đảng viên thường, không còn được đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào, dù nhỏ. Vậy thì có nên xem lại một số việc được gọi là “đúng quy trình” lâu nay diễn ra ở các địa phương, cơ quan, đơn vị? Tại sao công tác cán bộ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị “đúng quy trình” lại vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội?
Đơn giản bởi mọi người đều biết, công tác cán bộ “đúng quy trình” của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ là cái vỏ bọc để những người cùng cánh hẩu, người thân “công kênh” nhau lên những chức vụ mà lẽ ra họ không thể được bổ nhiệm. Và khi cái vỏ bọc “đúng quy trình” bị lợi dụng, trở thành lá bùa cho việc làm trái nguyên tắc thì không thể chọn được người tài, không thể tạo sự đồng thuận của nhân dân. Khi mà lòng dân không thuận thì mọi việc đều không thể suôn sẻ, nhịp nhàng, trôi chảy, nói gì đến phát triển. Vậy mới nói, quan trọng là thuận lòng dân!