Tăng trưởng trong khó khăn
Không chỉ thời gian qua mà chắc chắn việc tăng trưởng trong bối cảnh diễn biến phức tạp từ đại dịch Covid-19, sẽ vẫn còn tiếp diễn. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà là của bất cứ nền kinh tế nào trên toàn thế giới. Cách đây chưa lâu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra con số: Trong năm 2020, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ tới 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Trong tình thế ấy, lẽ nào lại bó tay đợi dịch đi qua?
Suốt từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã kiên cường chống lại đại dịch Covid-19 và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhất là qua một quãng thời gian dài (99 ngày) chúng ta không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Nhưng rồi, đến ngày 25/7, bóng ma Covid-19 đã trở lại với những diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.
Kinh tế đất nước mới bắt đầu hồi phục thì một lần nữa lại phải gồng mình chống dịch, với những biện pháp quyết liệt. Trong tình thế ấy, tăng trưởng của kinh tế nước nhà năm nay sẽ rất khó khăn. Nhưng lửa thử vàng gian nan thử sức, không thể có chuyện thụ động, buông tay. Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - đó là mục tiêu kép được Thủ tướng Chính phủ đề ra với nỗ lực rất cao của cả hệ thống.
Ngày 7/7, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong khó khăn chính là lúc thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên, bảo đảm 3 trụ cột: Phòng chống dịch, duy trì kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 16/7, trong cuộc gặp mặt một số thành viên thường trực, tiêu biểu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam), Thủ tướng đã nhấn mạnh trong hoàn cảnh khó quyết không để đổ gãy nền kinh tế, nỗ lực đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.
Ngày 1/8, làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, hiện nay việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta. Dù tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, phát triển; có ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn.
Ngày 3/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng nhắc lại chủ trương lớn “không để đứt gãy nền kinh tế”.
Như vậy, cả thời điểm trước và sau khi xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng (ngày 25/7) thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã nhận định tình hình một cách rất thực tế, nhận diện khó khăn, không một chút chủ quan đối với cả hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế. Điều nổi lên rất rõ là quyết tâm không để đứt gãy nền kinh tế trong khi căng mình chống dịch và sự diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cũng như sự đồng lòng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn dân.
Không vì “mải” chống dịch mà quên nhiệm vụ phát triển kinh tế, cũng không thể vì thế mà lảng tránh việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Cũng chính vì thế mà thời gian qua Thủ tướng đã quyết liệt đốc thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phải đưa bằng được dòng vốn lớn đó vào thực tế. Dòng vốn đầu tư công chảy mạnh sẽ bảo đảm tốc độ tăng trưởng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội khi mà từ đó nhiều lao động có việc làm, tăng thu nhập; cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng từ đó mà hồi phục, phát triển.
Trong quá trình đó, vai trò của người đứng đầu ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Lúc này càng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và cũng càng đòi hỏi phải có cách làm linh hoạt, sáng tạo vừa sát thực tế vừa có tầm nhìn tương lai.
Riêng về việc giải ngân vốn đầu tư công, khi nhìn nhận một cách tổng quát, Thủ tướng đã đặt vấn đề: Trong tình hình khó khăn chung, vì sao có địa phương giải ngân tốt, có địa phương lại vô cùng chậm chạp, trì trệ? Đó cũng chính là nói đến trách nhiệm cũng như năng lực của những người đứng đầu trước bối cảnh vừa dập dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn, không để đứt gãy nền kinh tế chính là mệnh lệnh của trái tim đối với tất cả mọi người, mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Từ nay tới hết năm 2020 thời gian không còn nhiều, vì thế càng cần phải có nỗ lực lớn. Không thể đòi hỏi GDP cao như dự tính trước khi dịch bùng phát (khoảng 6,8%), nhưng mức tăng trưởng dương phải là mục tiêu phấn đấu trong năm nay, một năm muôn vàn khó khăn. Chỉ có như thế nền kinh tế mới không đứt gãy.