Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải 'tự đề kháng' trước tác động của diễn biến hòa bình
"Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải nâng cao khả năng “tự đề kháng” trước tác động của diễn biến hòa bình cũng như mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Ngày 6/8 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt, động viên các điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua của lực lượng Công an nhân dân và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cùng dự gặp mặt có lãnh đạo Bộ Công an.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Trong giai đoạn 2015-2020, phong trào thi đua trong Công an nhân dân đã phát triển sâu rộng, sôi nổi, với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, triển khai có hiệu quả các chương trình công tác, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần kiềm chế, làm giảm hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây mất ổn định xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an toàn, lành mạnh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Công an đã tích cực hưởng ứng, tổ chức phát động, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động như: Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, làm tốt công tác xã hội, các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, ủng hộ về vật chất, động viên về tinh thần đối với các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.
Điển hình là chương trình “Làm cho Mường Nhé sáng lên” đã phối hợp với chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 1.149 căn nhà ở với tổng số vốn hỗ trợ là 55 tỷ đồng cho các hộ nghèo tại huyện Mường Nhé.
Nhấn mạnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, cùng với các lực lượng khác, lực lượng Công an nhân dân đã gương mẫu, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, thử thách trên tuyến đầu chống dịch; thực hiện chế độ trực ban, trực chiến đấu 24/24 giờ; lập chốt, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng đăng tin xuyên tạc, gây hoang mang về tình hình dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỏi từng người dân” để vừa rà soát, xác minh, khoanh vùng cách ly, vừa tuyên truyền cho người dân nắm được nguy cơ, mức độ lây lan của dịch bệnh, đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, tô thắm thêm hình ảnh người Công an cách mạng trong lòng nhân dân.
Nhắc tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Do đó để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào thi đua yêu nước trong Công an nhân dân, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong Công an nhân dân tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; qua đó, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an và Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, là đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong Công an nhân dân theo hướng: tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công tác trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động các phòng trào thi đua phù hợp với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, các địa phương.
“Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin, khát vọng cao đẹp cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an nhân dân, phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang, giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, giản dị, coi trọng tự phê bình và phê bình, kiểm điểm “tự soi, tự sửa”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải nâng cao khả năng “tự đề kháng” trước tác động của diễn biến hòa bình cũng như mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân mà làm việc, không quản ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.