'Lá chắn thép' chống dịch ở miền Tây xứ Thanh
Những người lính Biên phòng Thanh Hóa, đang từng ngày, từng giờ trực trận nơi tuyến đầu giáp ranh với nước bạn Lào, ngăn chặn Covid-19 xâm nhập vào địa bàn.
Trong một ngày mưa nặng hạt chiều tháng 8, chúng tôi ngược 250 km từ TP Thanh Hóa lên Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (ĐBP Na Mèo), huyện Quan Sơn.
Càng tiến khu vực biên giới, không gian lại càng trở nên đìu hiu, quạnh vắng hơn bởi tiết trời se lạnh ẩn sau làn sương mù dày đặc, hòa trộn cùng tiếng mưa rơi rả rích trên từng cung đường, gốc cây, ngọn cỏ.
Đón chúng tôi tại đồn, Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP Na Mèo cho biết: Đơn vị đang quản lý tuyến đường biên dài hơn 37,67 km, với 13 vị trí/16 mốc quốc giới gồm nhiều đường mòn, lối mở giáp ranh với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu tháng 2, ĐBP Na Mèo đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BCH Biên phòng tỉnh, thành lập 5 chốt kiểm dịch dã chiến chống dịch gồm chốt 331 (bản Cha Khót), chốt 323, 326 (bản Na Mèo), chốt 325 (bản Tà Lơn), chốt 322 (bản Xía Nại, xã Sơn Thủy).
Cùng với đó, đơn vị cũng thành lập 2 chốt cơ động tuần tra với 7 đồng chí mỗi chốt. Chiến sĩ tại các chốt sẽ trực gác 24/24, thay phiên nhau tuần tra, canh gác. Sau bão số 2, nhiều tuyến đường lên khu vực biên giới bị sạt lở, xói mòn, tiềm ẩm rất nhiều nguy hiểm khi di chuyện.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, ĐBP Na Mèo bố trí 1 chiến sĩ đi cùng lên các chốt kiểm dịch tại khu vực biên giới ráp gianh với nước bạn Lào.
Sau 1 giờ 30 phút theo chân các chiến sĩ ĐBP Na Mèo, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát dịch bệnh 326 thuộc bản Cha Khót, xã Na Mèo. Các chiến sĩ tại chốt 326 cho biết, do địa hình nơi đây hiểm trở, thuận lợi cho các đối tượng vượt biên trái phép nên anh em cũng phải túc trực 24/24, đồng thời thay phiên nhau tuần tra tại các đường mòn lối mở suốt ngày đêm.
Do ở đây cách trung tâm của ĐBP Na Mèo tới 20km nên việc di chuyển lương thực lên rất khó, bởi vậy nên anh em tận dụng nguồn cá tôm từ suối, rau từ rừng và nuôi thêm ít gà để làm thực phẩm trong những ngày mưa lũ kéo dài.
Xuôi về trên tuyến đường biên, chúng tôi tiếp tục được chiến sĩ dẫn vào chốt 328. Nằm chênh vênh giữa rừng, chốt 328 thực chất là một cái lán lợp tạm bợ bằng tranh, cùng vài tấm bìa catong ghép nối sơ sài cho đỡ lộng gió.
19h30, Đại úy Hà Văn Ban cùng 2 đồng chí tại chốt 328 bắt đầu nhiệm vụ đi tuần đêm. Theo Đại úy Hà Văn Ban, việc thường xuyên băng rừng, lội suối kiểm tra các tuyến đường tiểu ngạch, cột mốc, cọc dấu trong 2 ngày nay khó khăn hơn nhiều so với mấy tháng trước, vì cơn bão số 2 vừa đổ bộ làm đất đá bị sạt lở, anh em phải vừa đi vừa dò nếu không trượt chân sẽ rất nguy hiểm.
“Trong 6 tháng nay tại chốt chưa để lọt một đối tượng nào vượt biên trái phép cả. Hiện anh em vẫn luôn tập trung 24/24, giữ vững tinh thần cao độ để ứng phó với tình hình dịch bệnh mới”, Đại uý Ban khẳng định.
Sau 1 ngày băng rừng ngủ lán cùng chiến sĩ 328, từ trung tâm ĐBP cửa khẩu Na Mèo, chúng tôi tiếp tục đi thêm 30 km nữa để tiếp cận chốt cuối cùng, chốt “325 Tà Lơn”, chốt kiểm dịch dã chiến khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Do mưa lớn gây sạt lở nên muốn vào chốt này phải đi bộ hoàn toàn 20km, trên con đường vào, một bên là đường đất sạt lở, một bên là núi thẳm vực sâu. Sau một buổi tối vật vã vì bị vắt và muỗi cắn, chúng tôi tiếp tục thử lửa trên con đường băng rừng 20 cây số.
Theo chia sẻ của Đại úy Lò Văn Toản, chốt trưởng 325 thì khu vực đóng chốt chỉ cách biên giới nước bạn Lào 200m, vậy nên có nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Chốt được thành lập từ nhiều năm về trước, với nhiệm vụ ban đầu là kiểm tra, ngăn chặn, bảo vệ rừng và các cột mốc biên giới.
Từ đầu tháng 2, chốt được giao thêm nhiệm vụ kiểm tra, rà soát và bắt giữ các đối tượng vượt biên trái phép.
“Ở đây không có sóng, mỗi lần liên lạc về bộ chỉ huy là anh em phải đi bộ hơn 10km về xuôi để gọi điện. Các chiến sĩ đều xác định rõ tư tưởng “còn dịch, còn chốt” nên dù gian nan thế nào cũng sẽ vượt qua. Giờ chỉ mong dịch bệnh sớm tan để mọi thứ trở lại bình thường, chứ nhìn về tâm dịch, chúng tôi thấy thương lực lượng bác sĩ tuyến đầu quá”, Đại úy Toản tâm sự.