Lời hẹn tháng bảy

Lê Thị Kim Sơn 06/08/2020 09:00

Biết viết gì cho ngày tháng bảy, khi mà con lại thấy bố tần ngần treo cờ trước cổng, rồi chuẩn bị mấy nén nhang thơm cho cái trang thờ ở góc ngoài sân.

Bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Ảnh: Quang Hà.

Đã thành lệ, mẹ luôn chuẩn bị hoa trái cho bố đặt lên trang vào ngày 27/7 hàng năm, sẽ lấy bộ quân phục vẫn luôn treo sâu trong góc tủ ra ủi cho thẳng thớm trước đó một hôm. Và sáng sớm hôm đó, bố sẽ lại quần áo, mũ, giày chỉnh tề không chỉ vì bố sẽ ra huyện tập trung để đi viếng nghĩa trang với Hội Cựu chiến binh và lãnh đạo của huyện, mà bởi trước khi đi bố cùng có việc để làm đó là ra ngoài trang để khấn vái và thắp mấy nén nhang gửi vào không trung những giọt nước mắt ngầu đục của tuổi già, rồi cẩn trọng rải xuống thềm trước ly rượu đợi cho nhạt hương bố mới đi.

Đó đã là cái lệ quen của bố, nhưng chả được mấy đứa con quan tâm, đứa nào cùng kêu bận rộn công việc trong khi thật ra là bận đi chơi và tụ tập bạn bè. Thế nên, khi bố gọi giật lại để ghi cho bố số điện thoại của anh hùng Võ Trung Thành kể chuyện những ngày chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị đang chạy ngang qua màn hình tivi của nhà đài, đám con tròn mắt buông câu, “người ta là anh hùng đó bố, bố có nhận nhầm không?”, bố trợn mắt lên bảo, “ghi lại mau, đó là thủ trưởng cũ bố”. Đám con ghi lại mà lòng không khỏi hoài nghi, lúc bố bấm máy gọi điện, đám con còn khắc khoải nhắc theo, “bố, lỡ người ta không nghe máy nha bố, người ta ngại số lạ. Mà có khi người ta quên mất rồi ấy, có vậy bố cũng đừng có buồn nha bố”. Bố trợn mắt, quay lại mắng: “Quên, quên làm sao được mà quên. Đến tao bị mảnh đạn pháo ngang đầu mà con không quên được là”. Nói vậy, nhưng vẫn thấy giọng bố a lô run lắm khi đầu dây bên kia có người bắt máy.

Cuộc nói chuyện diễn ra gần nửa tiếng đến khi bố hết tiền điện thoại, bố quay vào nhìn đám con đang trố mắt nhìn ra xì xào “thì ra là bố có quen thật đấy”. Với đám con, danh xưng anh hùng to và oai lắm lắm, thì phải chiến đấu oách như thế nào mới được phong anh hùng, mới được mời phỏng vẫn truyền chứ, vậy mà bố mình có quen chứng tỏ bố mình cũng oách không kém. Vậy là xúm vào hỏi, sao bố, sao bố ồn cả lên. Bố bảo, thủ trưởng vẫn nhớ bố, ông ấy rủ bố về thăm lại chiến trường xưa rồi bố lặng im chìm trong suy tưởng.

Phải vài hôm sau, con mới nhớ chuyện cũ khi thấy bố lấy chiếc bằng khen cũ kĩ treo trên vách tường xuống để mà lau chùi, nhìn bàn tay bố run run lau phủi những bụi mờ bám trên khung mới chợt ồ lên, đúng rồi, bố mình cũng bị thương mà mình cứ quên mất. Dường như cả tuổi thơ ấm áp của mấy chị em đều được bàn tay của bố bế bồng và ru ngủ, mặc cho lời ru của bố khê nồng như cơm rượu cháy đám con vẫn vào giấc an yên. Cái bàn tay không nguyên vẹn ấy, con cũng đã từng xoa xuýt và sờ nắn mãi đấy thôi, vậy mà trong kí ức của con dường như bàn tay bố vẫn nguyên lành như mọi bàn tay của các ông bố khác, vì bố vẫn xoay xở làm đủ việc để chăm lo cho gia đình đấy thôi.

Rồi những đứa con lớn lên, nhưng đứa nào cũng viện cớ là nói chuyện không hợp, viện cớ học hành, bạn bè bận rộn mà trốn biệt thời gian với bố. Mà nếu có thời gian, cũng chỉ nói được vài câu với bố rồi đám con lo lủi cho nhanh vì ánh mắt khó chịu của bố dành cho mái tóc nhuộm, cái quần tuột trễ xuống gần nửa mông, hay những bài nhạc hợp thời của đám con thể nào cũng gây nên tranh cãi. Đám con thì thầm nhỏ to kêu bố là ông già Khốt Ta Bít, chê bố cổ lỗ sĩ không thể hiểu được thời đại mới, cái tình thân bố con bỗng dưng bị biến thành khoảng cách hai thế hệ từ lúc nào không hay.

Có lẽ vì vậy mà bố chẳng kể nhiều về ngày xưa bom đạn cho đám con, nhưng bố sẽ sôi nổi khi có dịp gặp bạn bè đồng ngũ, những lúc ấy bố như sống lại cái thời trẻ trai của mình, bố bảo, thời của bố là thời đã qua các con chỉ có thể hình dung được phần nào qua sách vở và phim ảnh thôi. Làm sao các con có thể hình dung hết nỗi vất vả gian lao của những người lính chỉ có đôi chân trần mà có thể hành quân từ Bắc vào Nam với bom đạn trên đầu, những cái chết rất gần và rất nhiều làm sao kể xiết. Thế nhưng những niềm tin luôn ngời ngời sáng, chỉ cần được vào bộ đội, chỉ cần được cầm súng chiến đấu cho nhân dân, cho đất nước đã là một niềm vinh dự lớn lao rồi. Tuổi trẻ của các con bây giờ thiếu cái niềm tin, cái lý tưởng, cái nhiệt huyết của những người xung trận nên mới hay nghi ngờ và nhận xét như vậy.

Thế mà có một ngày, bố bảo con, hay là để Tết bố về quê rồi vòng vào thăm lại chiến trường xưa nhá. Con gật đầu, bảo bố đợi con bởi qua Tết con sẽ có việc ngoài Hà Nội rồi sẽ xin cắt phép rồi đi cùng với bố. Bố vui vẻ vì thấy sẽ có con đi cùng nên bồi hồi kể, bố đã có hơn 81 ngày đêm nơi thành cổ Quảng Trị, có niềm tự hào của tuổi trẻ khi đã bắn rơi máy bay bởi chính khẩu pháo 12 ly 7 của mình. Bố được kết nạp Đảng ngay trong hầm pháo sau chiến công đó, khi mới vừa tròn 20 tuổi mà chẳng cần phải điều tra hay thẩm định. Ôi, thành cổ trong 81 ngày đó chỉ còn là một đống gạch vụn, hàng đàn máy bay quần thảo ở trên đầu với bom rơi, đạn nổ và bao nhiêu đồng đội đã hi sinh, bố đã chiến đấu, đã trưởng thành ở nơi đó và bố muốn ghé lại thăm trước khi những lãng đãng của tuổi già có thể khiến bố quên mất.

Bố chợt vui như một đứa trẻ được quà, gọi về lại cho thủ trưởng cũ để tìm thêm người, để hẹn ngày gặp mặt với nỗi háo hức không thể dấu. Thế nhưng chuyến đi của con bị hủy một cách bất ngờ, mặc cho những bần thần của bố khi nghe con báo lại trước chuyến đi mong đợi có vài ngày mà con cố tình làm ngơ để bào chữa, bố vội quay đi báo lỗi hẹn với mọi người.

Bố lỡ hẹn nên vẫn chưa thể ghé về thăm lại nơi chiến hào mà nước mắt còn xanh, bố vẫn nhớ đồng đội về báo chẳng thể đem anh em ra ngoài chôn được, nên đã phải đào ăn ngang vào vách hào để anh em vẫn có thể cùng mình chiến đấu mà cũng là để hạn chế thương vong cho những người có nhiệm vụ chôn cất tử sĩ. Biết làm sao được, đó là chiến tranh, đó là những mất mát mà bố chẳng thể gọi tên khi mà có nhiều đồng đội mới nhận nhiệm vụ đầu tối, chưa kịp nhìn mặt nhau sáng ra đã dính phải bom mà tử trận. Biết bao người đã ngã xuống trên đường hành quân chứ chưa kịp ra mặt trận, khúc quân hành oai hùng đó hát lên không chỉ hào hùng mà còn có cả xót xa. Bố vẫn giữ cái thói quen nhà lính, chỉ cần nghe nhạc báo hiệu chào cờ là sẽ rập chân nghiêm ngắn đứng chào cho đến khi dứt nhạc, vẫn nặng lòng với những ngày kỉ niệm của đất nước để nhắc đám con vô tâm đem cờ ra treo trước ngõ.

Tháng bảy năm nay mưa ít, bố đã mở tủ để lấy bộ quân phục treo sâu trong góc ra để hôm nào mẹ giặt lại cho thơm rồi ủi cho thật phẳng. Cái bằng khen cùng đã được bố lấy xuống để lau cho sạch bụi, những nghi lễ như những thói quen khó bỏ mà người còn sống vẫn ngậm ngùi với những người nằm xuống. Con cố rúc mình vào sâu trong chăn, đợi mùi hương của buổi sáng lạnh sương nhắc nhớ dáng bố bây giờ cũng đã bị thời gian níu chùng xuống mà mình vẫn chưa thực hiện được lời hứa với bố, nhưng nhất định, sẽ có ngày con thực hiện được và phải gần thôi, phải nhanh thôi bố nhỉ?

Lê Thị Kim Sơn