Học lại, thi lại nếu bị tước bằng lái xe nhiều lần: Đề xuất hợp lý
Bộ GTVT đề xuất nội dung lái xe bị tước bằng 4 lần trong 3 năm hoặc tổng thời gian tước bằng 24 tháng sẽ phải học lại, thi lại,
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, Bộ GTVT đề xuất nội dung lái xe bị tước bằng 4 lần trong 3 năm hoặc tổng thời gian tước bằng 24 tháng sẽ phải học lại, thi lại tại Dự thảo Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trước thực trạng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng do chất lượng đào tạo lái xe trong thời gian gần đây, đề xuất này đang nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận.
Cụ thể, theo Khoản 5, Điều 107, Dự thảo Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ bổ sung quy định theo dõi số lần bị tước giấy phép lái xe, nếu bị tước quyền sử dụng bằng lái từ 4 lần trở lên trong 3 năm hoặc có tổng thời gian bị tước quyền sử dụng trên 24 tháng sẽ bị thu hồi và phải học lại, thi lại sau thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt để được cấp giấy phép lái xe mới. Như vậy, người muốn điều khiển phương tiện giao thông sau đó sẽ phải học và thi lại mới được cấp Giấy phép lái xe mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trên là hợp lý, bởi lâu nay, việc xử phạt rất ít khi truy xuất lại lịch sử vi phạm của từng tài xế. Khi họ cố tình vi phạm những lỗi này một cách liên tiếp, thì quy định buộc phải học lại, thi lại sẽ loại dần những tài xế coi thường pháp luật.
Về vấn đề trên ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Quy định tịch thu bằng lái, buộc học lại, thi lại với người bị tước giấy phép lái xe nhiều lần là cần thiết. Bởi với những lái xe chỉ trong một thời gian ngắn nhưng vi phạm nhiều lần thì không đảm bảo điều kiện an toàn khi tham gia giao thông, và cần có chế tài mạnh mẽ để hoạt động giao thông đi vào nề nếp.
Nói về cơ sở dữ liệu phục vụ việc thực thi quy đinh trên, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ VN- đơn vị tham gia soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cho biết: Hiện nay, dữ liệu tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đã được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm của Tổng cục Đường bộ VN và Cục CSGT. Cụ thể, đến nay có khoảng 450.000 trường hợp bị tước giấy pháp lái xe, trong đó có khoảng 1.700 trường hợp bị tước từ 4 lần trở lên.
Do vậy , theo ông Thống, quy định mới có hiệu lực sẽ tăng sức răn đe đối với hành vi vi phạm. Việc tước quyền sử dụng GPLX hiện nay đang được cập nhật vào phần mềm quản lý của 2 cơ quan. Khi cấp lái GPLX thì ngành GTVT sẽ tra cứu trên cở sỡ dữ liệu để phát hiện những trường hợp nào bị tước GPLX hoặc số lần, hoặc thời gian bị tước GPLX để xử lý theo quy định.
Phía Cục CSGT thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu về người vi phạm đã được Cục CSGT xây dựng và liên tục cập nhật. Ngoài Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ Công an cũng vừa công bố Dự thảo Luật bảo đảm trật tự ATGT, trong đó đề ra biện pháp trừ điểm đối với các hành vi vi phạm để có được giải pháp quản lý chặt chẽ đối với người lái xe.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho hay: Hiện đã có cơ sở dữ liệu về xử phạt, qua đó sẽ biết được các lái xe đã bị xử phạt bao nhiêu lần, hình thức nào, phạt bao nhiêu tiền, bao nhiêu lần bị tước GPLX... Khi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ có kết luận, nếu lỗi do lái xe gây ra và làm chết người sẽ bị khởi tố. Trong suốt thời gian này, lái xe không được hành nghề nên hoàn toàn có thể thu hồi GPLX cho đến khi người đó chấp hành án xong, phải học và thi lại để được cấp GPLX.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước việc xây dựng hệ thống dữ liệu về tình trạng vi phạm của lái xe để buộc tài xế học lại, thi lại có lẽ là chưa đủ. Bởi yêu cầu về một hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn giao thông chia sẻ, dùng chung cho các cơ quan quản lý đã được Ủy ban ATGTQG đặt ra từ lâu. Dữ liệu này không chỉ là tình trạng vi phạm của tài xế, mà bao gồm cả phương tiện và người lái, đến điều kiện hạ tầng và thực trạng TNGT.