Chuyện khó hiểu ở nhà Vương

Vũ Sơn 07/08/2020 08:00

Không phải là chủ sở hữu di tích nhưng lại chia lợi nhuận cho chủ sở hữu. Chủ sở hữu tài sản phải trở thành người làm công ăn lương trên chính tài sản của mình. Hợp đồng lao động nhưng không cụ thể công việc. Những chuyện khó hiểu đó đang diễn ra ở nhà Vương.

Dinh thự họ Vương.

Trên các số báo ra ngày 27 và 31/7, báo Đại Đoàn Kết có những bài phản ánh về tình trạng xuống cấp ở khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Nhà vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Cũng như việc họ Vương có đơn gửi lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị thu hồi danh hiệu di tích nhà Vương. Sau những bài này, người viết đã lên khu di tích nhà Vương tìm hiểu thêm thì được biết những chuyện ngược đời khác.

Ông Vương Duy Bảo - cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình cho biết: Chúng tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đối với tài sản thừa kế của tổ tiên là tòa Dinh thự họ Vương. Thế nhưng, 16 người là chủ sở hữu hợp pháp Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Dinh thự họ Vương không được bàn giao tài sản thừa kế này. Chúng tôi hiện đang phải tham gia công tác quản lý, bảo vệ di tích, dưới dạng Hợp đồng lao động có thời hạn làm thuê cho UBND huyện Đồng Văn, trong khi UBND huyện không phải là chủ nhân của di tích.

Ông Vương Duy Bảo chìa ra bản Hợp đồng lao động số 02/HĐLĐ ngày 6/3/2020 của UBND huyện Đồng văn ký với mình. Đại diện UBND huyện Đồng Văn ký hợp đồng là ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó chủ tịch. Hợp đồng có thời hạn 12 tháng. Công việc là Phụ trách công tác bảo tồn di tích và hướng dẫn viên. Nhiệm vụ do Thủ trưởng đơn vị phân công. Ông Vương Duy Bảo cho biết: “Tôi không cần khoản lương này, nhưng vì muốn được trực tiếp quản lý di sản của cha ông, tôi vẫn phải ký hợp đồng. Điều này khiến cho tôi và những người trong gia tộc có tham gia quản lý giống tôi vô cùng bức xúc…”.

Không chỉ trở thành người làm thuê, 16 chủ nhân thực sự của khu di tích Dinh thự họ Vương khi đến nhận phần quyền lợi được chia từ hoạt động bán vé tham quan di tích thu được theo quy chế quản lý di tích được huyện Đồng Văn yêu cầu từng người phải đến ký nhận trực tiếp như nhận lương hàng tháng. Chưa kể đến việc huyện sử dụng, phân chia nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan không đúng theo quy chế và biên bản thỏa thuận với chủ sở hữu như báo đã nêu trong số báo trước.

Đáng lẽ chúng tôi là chủ sở hữu, chúng tôi phải được quản lý khoản thu từ hoạt động bán vé tham quan di tích, là tài sản của chúng tôi, và có trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước theo đúng quy định pháp luật. Chúng tôi đâu phải là cổ đông mà đến nhận phần chia lợi nhuận như nhận lương tháng vậy…”, ông Bảo bức xúc.

Biên lai thu phí tham quan nhà Vương.

Theo luật sư Trần Anh Tuấn - Công ty luật Minh Bạch nhận định: “Theo quy định của Luật Di sản, việc nhà nước công nhận di sản không tước đi quyền sở hữu của các cá nhân đối với di sản. Các quyền hợp pháp của chủ sở hữu di sản bao gồm: Quyền sở hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Các chủ sở hữu chỉ bị hạn chế một phần quyền định đoạt khi nhà nước công nhận tài sản của họ là di sản. Cụ thể là khi chuyển nhượng, chủ sở hữu phải ưu tiên chuyển nhượng cho nhà nước, nếu nhà nước không mua lại thì mới được chuyển nhượng cho các đối tượng khác. Nếu có trùng tu, sửa chữa thì phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản. Ngoài ra, mọi quyền khác của chủ sở hữu đối với di sản không thay đổi và được quy định rõ trong Luật Dân sự. Việc UBND huyện Đồng Văn sau khi đã trả lại quyền sở hữu đối với di sản cho con cháu “Vua Mèo” trên danh nghĩa (giao “sổ đỏ” nhưng không bàn giao mặt bằng), tiếp đó lại ký hợp đồng thuê chính chủ sở hữu quản lý di sản, tài sản cha ông họ để lại là trái với quy định pháp luật, tước đoạt quyền sở hữu và quyền định đoạt của chủ sở hữu, xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Người viết tiếp tục lấy làm khó hiểu khi cầm trên tay tấm biên lai thu phí tham quan di tích có nội dung ghi: Biên lai thu tiền phí, lệ phí. Một biên lai có giá 10.000 dành cho người lớn và một cho người già và trẻ em là 5.000 đồng. Vé do Ban quản lý di tích và danh thắng huyện Đồng Văn phát hành nhưng lại sử dụng con dấu của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Trao đổi với ông Vương Duy Bảo và Tổ quản lý di tích nhà Vương, được biết: Tổ quản lý di tích khu nhà Vương trực thuộc Ban quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn, do UBND huyện Đồng Văn thành lập với đầy đủ các chức danh Trưởng, Phó ban... Tuy nhiên, từ lâu nay, các văn bản liên quan đến Ban quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn đều sử dụng con dấu của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn. Khu di tích nhà Vương đang được Ban quản lý áp dụng hình thức quản lý theo Quy chế quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn cùng với các di tích, danh thắng khác trên địa bàn huyện. Cũng bởi vậy mới có chuyện tài sản của dòng họ Vương nhưng chủ sở hữu lại phải ký hợp đồng lao động với UBND huyện để được tham gia Tổ quản lý di tích nhà Vương, tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của chính con cháu họ Vương.

Điều đáng nói là, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở VHTTDL thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng Văn hóa và thông tin thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định: Tổ chức biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý di tích là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh, có tài khoản và con dấu riêng; Phòng Văn hóa và thông tin chỉ được thành lập đơn vị công lập gồm: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao hoặc Trung tâm Văn hóa – Thể thao. Các đơn vị sự nghiệp có con dấu và tài khoản riêng.

Như vậy, việc UBND huyện Đồng Văn ký hợp đồng thay cho đơn vị trực thuộc là Ban quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn là trái quy định pháp luật. Vụ việc tiếp tục chồng chéo khi vé tham quan di tích lại đóng dấu của Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.

Vũ Sơn