Festival Huế 2020 bị hoãn: Nghệ nhân, làng nghề tiếc nuối nhưng vẫn cảm thông
Sau khi có quyết định hoãn Festival Huế 2020, nhiều nghệ nhân, làng nghề truyền thống đã tỏ ra hụt hững tiếc nuối khi tất cả moi thứ họ đều chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, các nghệ nhân làng nghề vẫn luôn đồng cảm, chia sẻ với quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định hoãn không tổ chức Festival Huế 2020 trong năm nay mà dời sang năm sau. Đây là sự việc đáng tiếc nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định hoãn tổ chức Festival 2020 (dự kiến diễn ra từ 26-31/8).
Sau khi có quyết định hoãn Festival Huế năm 2020, nhiều nghệ nhân làng nghề truyền thống Huế cảm thấy tiếc nuối và hụt hẫng khi những ý tưởng, tâm huyết của họ chuẩn bị trong thời gian qua chưa thực hiện được. Tuy nhiên những nghệ nhân này vẫn đồng cảm và chia sẻ với quy định của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vì sự cấp thiết cũng như vì sức khỏe, tính mạng của người dân và du khách.
Nghệ nhân - nhà thiết kế áo dài Đặng Quốc Viết Bảo, Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Viết Bảo QB cho biết, để chào đón Festival Huế 2020 vào ngày 26-31/8/2020 đơn vị Viết Bảo QB đã có thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng một số hoạt động và hưởng ứng những chương trình nghệ thuật tôn vinh Áo dài.
Theo anh Bảo, với chủ đề: "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới", Festival Huế 2020 sẽ mang dấu ấn đặc biệt, vì chúng ta vừa trải qua khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Chính quyền cùng ngành du lịch đang có nhiều hành động kích cầu để đón du khách trở lại và đang từng bước vượt qua khó khăn để tổ chức một hoạt động mang ý nghĩa văn hóa và nghệ thuật tạo động lực thúc đẩy, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sản Huế của các cơ sở, nghệ nhân sau thời gian dài chuẩn bị đã có nhiều mẫu mã đẹp giới thiệu đến du khách nội địa.
Nhà thiết kế Viết Bảo cho rằng, không những bản thân đơn vị Viết Bảo QB mà những đơn vị khác tham gia cho Festival 2020 đều có ảnh hưởng khó khăn nhất định. Đối với đơn vị chúng tôi, để chuẩn bị cho Festival, đơn vị và đội ngũ đã thực hiện sản xuất sản phẩm, chuẩn bị các bộ sưu tập... cũng tạo nên cái khó một vài khâu thực hiện cho sự kiện. Vì vậy, việc thiếu hụt về vốn trong chi trả cho nhân sự đơn vị và đối tác là không thể tránh được.
“Khi mới biết Festival bị hoãn thật sự buồn và cảm thấy hụt hẫng khi những ý tưởng, tâm huyết của tôi cùng đội ngũ cộng sự chuẩn bị trong thời gian qua chưa đến với công chúng. Tuy nhiên tôi đồng cảm với quy định của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vì sự cấp thiết cũng như vì sức khỏe, tính mạng của người dân và du khách. Đồng cảm với các nhà tài trợ, nghệ nhân, nghệ sĩ đã tâm huyết dành tình cảm cho Festival Huế lần này” anh Bảo chia sẻ.
Ông Trần Văn Lực, chủ Doanh nghiệp tinh dầu Kim Vui cho biết: Để chuẩn bị cho dịp Festival Huế 2020 sắp tới, đơn vị đã chuẩn bị từ sản phẩm cho đến con người, sẵn sàng các khung lịch chương trình. Các làng nghề, nghệ nhân đã đăng ký tại phòng kinh tế ở các huyện, và Sở Công Thương của tỉnh.
“Khi biết tin Festival Huế 2020 bị hoãn thì các nghệ nhân cũng như các thành viên trong hiệp Hội dầu tràm Huế rất buồn và cảm thấy tiếc nuối nhưng cũng phải chấp nhận do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp. Cũng vì mục đích chung của xã hội nên tôi cũng rất đồng tình và ủng hộ quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Lực chia sẻ.
Ông Trần Văn Lực – Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Kim Vui, Chủ tịch Hội dầu tràm Thừa Thiên Huế, Phó Chủ nhiệm CLB nghệ nhân Huế.
Theo ông Lực, khi dịch bùng phát trở lại thì các nghệ nhân, làng nghề ở Huế nói chung và tinh dầu Kim Vui nói riêng gặp nhiều khó khăn. Ngoài chuẩn bị các sản phẩm để chuẩn bị cho dịp Fesstival Huế 2020, thì các nghệ nhân cũng đang kích cầu giới thiệu quảng bá sản phẩm trong mùa du lịch sắp tới. Đà Nẵng là một trong những thị trường tiêu thụ rất lớn của các sản phẩm làng nghề Huế như dầu tràm, trà cung đình… Tuy nhiên, hiện nay Đà Nẵng lại là tâm dịch do đó gây ảnh hưởng rất lớn cho các nghệ nhân làng nghề có sản phẩm phục vụ cho du lịch.
“Tôi mong người dân, các làng nghệ, nghệ nhân đồng lòng phối hợp tốt với chính quyền, không chủ quan để đẩy lùi dịch bệnh, cuộc sống sớm ổn định trở lại, du khách sớm quay trở lại với danh lam, thắng cảnh di tích Huế để nhìn thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn và khám phá giá trị lịch sử văn hóa Huế” ông Lực chia sẻ.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã gửi thư thông báo đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà tài trợ và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế với mong muốn nhận được sự chia sẻ, cảm thông khi Festival Huế 2020 đã không được diễn ra như dự kiến. Ông Thọ cũng hy vọng, khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế và đẩy lùi, Festival Huế sẽ lại diễn ra với nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng, đặc sắc, đậm đà bản sắc Huế như một lời tri ân của con người và mảnh đất Cố đô.