'Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn chú ý đến xây dựng tổ chức Đảng'
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn chú ý đến xây dựng tổ chức Đảng, chấn chỉnh đảng viên và thành quả của nó.
Điều ấn tượng đọng lại trong cảm nhận và suy nghĩ của ông Vũ Quốc Hùng, đó là, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một vị tướng, khi đảm nhiệm vị trí Tổng Bí thư, công việc xây dựng Đảng là một việc mới song ông đã thể hiện là một con người rất chịu khó, rất cầu thị và luôn suy nghĩ: Làm thế nào để tiếp cận vấn đề mới.
“Có nhiều vấn đề từ kinh tế, xã hội nhưng ông Lê Khả Phiêu tập trung vào vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời đề xuất phải có một Nghị quyết về Xây dựng chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Trung 6 lần 2)” - ông Hùng kể.
Ông Hùng cho rằng, quan điểm của ông Lê Khả Phiêu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng ta đã “dựng nền móng” cho công tác xây dựng Đảng, ở chỗ, ông chính là người đặt vấn đề phải khởi động lại công cuộc chỉnh đốn Đảng; vì thời kỳ mới gắn liền với tiền-hàng, cơ chế thị trường. Cho nên bắt đầu đổi mới cơ chế thì cũng cần bắt đầu công cuộc xây dựng Đảng trong thời kỳ mới bằng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bởi một Đảng cầm quyền thì trước tiên phải sửa mình. Lắng nghe và bằng thực tiễn năng lực, ông Lê Khả Phiêu đã đề xuất ngay việc xây dựng chỉnh đốn Đảng bắt đầu từ xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở, tức là chi bộ.
Là người từng làm việc dưới thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, ông Hùng kể lại: Trong chỉnh đốn Đảng, ông Lê Khả Phiêu chủ trì, Bộ Chính trị kiểm điểm trước, liên hệ với các yêu cầu, kế hoạch, mục đích.
"Tôi đã chứng kiến Bộ Chính trị kiểm điểm 10 ngày, có hôm tới muộn. Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị viết bản kiểm điểm và đứng lên trình bày. Các đồng chí thẳng thắn với nhau, không chỉ nói những vấn đề đường lối, quan điểm mà góp ý kiến với nhau cả lối sống. Vì từ lối sống nó thể hiện quan điểm, tư tưởng" - ông Hùng nói và cho biết thêm: Tiến hành chỉnh đốn Đảng có nghĩa Đảng phải tự sửa lại mình và sửa từ trên sửa xuống.
Ông Phiêu vừa là tướng chỉ huy, đồng thời là người làm công tác chính trị. Trong giải quyết vấn đề kiểm tra, kỷ luật Đảng, ông rất khách quan, không thiên vị ai, tạo điều kiện cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành các việc, không có vùng cấm.
"Có thể nói ấn tượng nhất của tôi là ông Lê Khả Phiêu luôn chú ý đến xây dựng tổ chức Đảng, chấn chỉnh đảng viên và thành quả của nó. Ông là linh hồn, ý tưởng Nghị quyết Trung ương 6 lần 2. Đọc Nghị quyết chúng ta có thể thấy rõ điều đó", ông Hùng chia sẻ.
Những ý tưởng, quyết tâm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, theo ông Hùng, đã để lại cho Đảng những bài học hết sức quý báu.
Theo đó, “Phải khơi dậy hết các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, là nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong đảng, chống bè phái” - ông Hùng nói và cho rằng từng đảng viên từ vị trí thấp đến vị trí lãnh đạo phải thường xuyên xem xét lại mình, tự phê bình và phê bình; tự báo cáo với tổ chức những vấn đề mà hiện nay mình đang vướng mắc.
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, sinh năm 1931, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 2h52 ngày 7/8/2020 tại Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ Truy điệu, Lễ An táng nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa VIII). Ông Lê Khả Phiêu là đại biểu Quốc hội khóa X.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), ông Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.