'Miếng võ quy trình' trong công tác cán bộ
Tại cuộc họp với Ngành Tổ chức đảng đầu tuần qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc; tránh tình trạng làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc.
Quy trình chặt chẽ nhưng vẫn còn lỗ hổng
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu, phải thật sự gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc; tránh tình trạng “làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc”.
Ông Phạm Minh Chính lưu ý, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ, nhất là công tác nhân sự; các cơ quan tham mưu phải “đúng vai, thuộc bài”, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để kịp thời phát hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề phát sinh, vướng mắc nổi lên để xử lý theo thẩm quyền.
Vì sao Trưởng ban Tổ chức Trung ương lại nhấn mạnh phải rất thận trọng trong việc lựa chọn cán bộ cho Đảng để “tránh cho được tình trạng đúng quy trình nhưng sai cán bộ? Là bởi đã có nhiều bài học đau xót về công tác cán bộ, cho nên không thể lặp lại những tồn tại đó nữa.
Mới đây, vụ ông Trần Trọng Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh làm dậy sóng dư luận. Vụ việc của ông Tuấn làm dư luận bức xúc là bởi, ông này bị khởi tố chỉ sau 15 ngày nhận quyết định bổ nhiệm cương vị mới.
Nếu xét việc bổ nhiệm ông Tuấn bảo có đúng quy trình rất nhiều bước trong công tác cán bộ không chắc chắn là có nhưng vì sao vẫn để lọt những cán bộ sai phạm từ trước, thì chứng tỏ có lỗi trong công tác cán bộ, ở đây không chỉ trường hợp ông Trần Trọng Tuấn, mà còn nhiều trường hợp khác. Với những sai phạm của ông Trần Trọng Tuấn, chẳng lẽ các cơ quan Đảng, chính quyền không biết, hoặc biết nhưng tại sao đề bạt, bổ nhiệm?
Bịt lỗ hổng công tác cán bộ
Không chỉ có vụ việc sai phạm của ông Trần Trọng Tuấn, mới đây các trường hợp sai phạm của các ông Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến (đều vốn là Phó Chủ tịch UBND TP HCM)… hay là Bí thư Thành ủy Bắc Ninh phải điều chuyển chỉ sau 15 ngày được phân công và nhiều cán bộ “cộm cán” nữa, thậm chí có những chức vụ thuộc diện Ban Bí thư quản lý, rồi Ủy viên Bộ Chính trị cũng đều liên quan đến những sai phạm trầm trọng cho thấy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng của công tác cán bộ.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp; nhiều cơ quan, địa phương cũng đã phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm dù chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ không đáp ứng yêu cầu như vậy?
Thừa nhận còn nhiều lỗ hổng trong công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Chúng ta làm rất chặt quy trình 5 bước; từ việc thảo luận về chủ trương, tiêu chí, điều kiện cho đến cán bộ chủ chốt, mở rộng và vòng 1 vòng 2, tới Ban Cán sự Đảng, tới Đảng ủy” nhưng lại “không nắm được cán bộ”.
Thậm chí, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong sai phạm của cán bộ thời gian qua, có những cán bộ, công chức khai không trung thực nhưng không phát hiện được. Rất nhiều cán bộ, hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan tổ chức cất vào tủ, không đi xác minh. Do không thẩm tra, nên “hồ sơ tất cả cái gì cũng đẹp, học hành đàng hoàng, khi đề bạt bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy có vấn đề, mới thấy khai gian lý lịch…”. Chúng ta chưa kịp thời phát hiện những sai phạm của cán bộ trong quá trình công tác trước đây do cơ quan quản lý trước đây không làm rõ sai phạm, không có kết luận rõ ràng, để đến mức khi đề bạt các chức vụ cao hơn thì tòa xử có tội, thậm chí phải thi hành án, vào tù.
Vậy làm thế nào để bịt được những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ? Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng có nhiều việc phải làm. Thứ nhất, vấn đề quy trình lựa chọn cán bộ gồm 5 bước hay 7 bước phải được thực thi một cách nghiêm túc để cho tất cả mọi người đều bình đẳng trước cơ hội, đóng góp cho Đảng, cho quốc gia dân tộc. Thứ hai, những người lựa chọn, tức là những người làm công tác cán bộ, người được quyền chọn người của bộ máy, trực tiếp là người chịu trách nhiệm chọn người vào cấp ủy phải được lựa chọn một cách xứng đáng.
“Tôi đã nhiều lần nói, chỉ mong ở họ có 8 chữ: Trung thực, dũng cảm, trách nhiệm và trong sạch. Bởi, nếu không trung thực thì sẽ chỉ chọn được những con người giả dối. Nếu không dũng cảm thì nguy cơ bỏ sót nhân tài nhìn tiểu tiết không thấy đại cục, đặc biệt không dám can gián những lệch lạc, thậm chí không khắc chế những sai lầm trong công tác cán bộ thì không thể nói đến chuyện kiến tạo một bộ máy tốt, trực tiếp lựa chọn được những người tốt để đáp ứng nhiệm vụ. Người có quyền lựa chọn phải có trách nhiệm, bởi khi không rõ trọng trách thì kiểm soát thế nào. Cuối cùng là phải trong sạch, nếu để sa vào vòng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” tăm tối, thì chỉ chọn được những con người nhơ nhuốc mà thôi”- ông Nhị Lê nói và cho rằng, việc thứ ba rất quan trọng là hãy hỏi ý kiến nhân dân. Đốt đuốc đi tìm cán bộ, một đôi mắt không thể bằng một nghìn đôi mắt của nhân dân. Cán bộ là để phục vụ nhân dân, cho nên các cấp có thẩm quyền hãy dành sự ưu ái đặc biệt cho nhân dân. Quan sát ở nhiều nơi có thể thấy cơ quan không biết gì hoặc biết rất chiếu lệ, giấy tờ hình thức về cán bộ của mình ở cơ sở, nơi cư trú. Thế cho nên mới có hiện tượng nhiều cán bộ vi phạm pháp luật bị bắt tại khu dân cư, nhân dân còn biết trước cả cơ quan quản lý cán bộ.
Cuối cùng phải lấy công việc để thử, bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn, đức độ đều ở đó cả. Người ta có thể giấu mình được một thời chứ không thể giấu được muôn thời; có thể giấu được một người chứ không thể giấu được nhiều người, muôn người.
Ông Lê Thanh Vân (Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau): Quan trọng là người vận hành quy trình
Thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương đã có bước chuẩn bị, từng kỳ họp đều chuẩn bị, sửa lại các quy định lựa chọn cán bộ cho đúng quy trình, càng về sau tiêu chuẩn của từng lớp cán bộ lại càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, quy định tự thân nó không chọn được cán bộ mà đó là quy trình thủ tục hay là công cụ và quan trọng là người sử dụng nó như thế nào. Nếu như con người tâm sáng, trí minh thì mới chọn được người xứng đáng, nếu như tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn có thể bẻ cong quy định để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy.
Phải nắm vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện công tác cán bộ. Những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể để lựa chọn nhân sự.
Để chấn chỉnh và xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì những người làm công tác cán bộ phải thực sự chí công vô tư, làm mọi việc đều xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân. Quy trình lựa chọn cán bộ cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để tình trạng nể nang, lợi ích nhóm tồn tại.
Đối với những cán bộ được lựa chọn, phải tuân thủ theo đúng quy trình, từ việc quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào giới thiệu nhân sự cho đại hội. Quá trình rèn giũa, thử thách cùng sự giám sát của tổ chức, của quần chúng sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, có tài, có đức phục vụ nhân dân.