Bảo đảm đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm Covid-19
Các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm; không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm; trường hợp thiếu kinh phí thì kịp thời sử dụng kinh phí dự phòng và báo cáo Trung ương xử lý cụ thể.
Đây là nội dung chính trong Thông báo 283/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 7/8/2020.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp nhân lực, vật chất hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đánh giá cao UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức có hiệu quả các Tổ phòng, chống dịch tại cơ sở.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch đang có nguy cơ rất cao lây lan trong cộng đồng, đòi hỏi các bộ liên quan, các cấp chính quyền cần đề cao trách nhiệm, quyết tâm hơn nữa thực hiện phòng, chống dịch, nhất là trong khoảng thời gian 2 tuần tới đây, đặc biệt TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, các địa phương đang có dịch bệnh, trong đó có các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP HCM.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương đang có dịch chỉ đạo huy động tổng lực, bảo đảm 4 tại chỗ, phối hợp tốt giữa các lực lượng, quyết tâm khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ:
a) Khoanh vùng, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội ở các nơi được coi là ổ dịch.
b) Tiếp tục thần tốc truy vết, tăng cường thực hiện nhanh hơn nữa việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao; khoanh vùng cách ly tập trung các trường hợp nghi nhiễm, trong đó có biện pháp cách ly phù hợp đối với người từ Đà Nẵng về; dập dịch kiên quyết, điều trị tích cực các ca nhiễm bệnh; quyết tâm kiềm chế, kiểm soát, khống chế lây nhiễm dịch bệnh ở mức thấp nhất; lưu ý ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm đối với người có bệnh nền, mãn tính, cao tuổi. Tiếp tục duy trì các tổ công tác đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm và áp dụng biện pháp phù hợp đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
c) Có phương án và sẵn sàng các bệnh viện dã chiến tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương có ca lây nhiễm.
d) Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có ca nhiễm bệnh trên địa bàn căn cứ diễn biến dịch bệnh, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết đối với từng khu vực trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội; tăng cường các hoạt động trực tuyến, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, hoạt động xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, không áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông cấm chợ”, gây trở ngại, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trái quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cẩu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, vi phạm quy định về phòng, chống dịch; đồng thời kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để ngăn ngừa dịch bênh lây lan; bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Các bộ, UBND các địa phương có phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa, lương thực thực phẩm cần thiết, đề phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội và TP HCM. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, kiên quyết các biện pháp phòng, chống dịch song cần duy trì sự liên tục các hoạt động kinh tế, không để đứt gãy, chủ động và tích cực thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế.