Sàn giao dịch bất động sản: Chuyển mình để thích ứng
Nếu như trong quý I-2020, các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động, thì sang quý II, thị trường này có dấu hiệu phục hồi.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù tính đến thời điểm này vẫn còn khoảng 15% sàn giao dịch BĐS chưa trở lại hoạt động, vẫn đang phải tạm ngừng vì dịch Covid -19, tuy nhiên, thị trường lại đón nhận số lượng sàn thành lập mới với một tỷ lệ tăng khá cao, khoảng 20%.
Các sàn giao dịch có tiềm lực tài chính cũng đã bắt đầu khởi động lại, hoạt động với những kế hoạch và phương thức kinh doanh mới như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn...
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II-2020 có 29.674 giao dịch BĐS thành công. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, trong quý II-2020, có 1.354 giao dịch thành công tại Hà Nội, và gần 4.000 giao dịch thành công tại TP HCM.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II-2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I-2020 do các DN đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Alpha Real cho biết, mặc dù dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành BĐS, song đây cũng là dịp để thị trường diễn ra cuộc thanh lọc lớn, là lúc để các chủ đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc, các DN phân phối BĐS uy tín khẳng định mình.
Theo ông Sơn, để thích ứng với dịch Covid, nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS đã nghĩ ra cách làm việc và bán hàng mới dựa trên công nghệ 4.0. Nhiều sàn giao dịch đã thay đổi cách làm truyền thống, thay vì gặp trực tiếp để trao đổi, họ tiến hành làm việc online, tư vấn khách online.
Với cách làm này, các sàn giao dịch có thể tiết giảm nhiều chi phí cho việc đi lại, đến tận chân công trình, trong khi ở nhà khách hàng vẫn có thể tìm hiểu được các dự án ở nhiều nơi trên cả nước.
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong rủi có may. Đây là thời điểm các sàn giao dịch BĐS tập trung phát triển mạng lưới bán hàng chuyên nghiệp, theo chiều sâu chứ không theo chiều rộng, ồ ạt, đại trà như trước.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch BĐS cũng đã nghiên cứu rõ hơn về chủ đầu tư, sản phẩm bán cho khách hàng, pháp lý dự án để mang đến cho khách hàng của mình những sản phẩm đầu tư an toàn và tiềm năng.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, các DN BĐS cũng như sàn giao dịch BĐS có thời gian cơ cấu lại, nghiên cứu tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn... từ đó lấy lại niềm tin của khách hàng trước những biến cố đã từng xảy ra khiến cho niềm tin của khách hàng suy giảm.