Tết 'Sử giề pà' của người Bố Y
Tết “Sử giề pà” được coi là tết cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn cho bản làng của người Bố Y; Đồng thời là dịp để người Bố Y dành sự chăm sóc đặc biệt cho con trâu của gia đình.
Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Bố Y ở huyện vùng cao biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai lại náo nức tổ chức một ngày Tết truyền thống rất riêng và độc đáo của dân tộc mình, đó là Tết tháng Tư (tiếng dân tộc Bố Y gọi là Tết “Sử giề pà”).
Người Bố Y lưu truyền sự tích về Tết “Sử giề pà”, đó là truyền thuyết về Trâu thần xuống trần gian giúp dân làng tìm được nguồn nước trong cơn hạn hán và sự tích con trâu xuống giúp người Bố Y làm ruộng. Đây là một trong những tín ngưỡng nông nghiệp của người Bố Y, nhằm tạ ơn Trâu thần đã đến giúp người Bố Y rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, người Bố Y làm lễ tạ ơn trâu là vì vậy. Dịp này, những con trâu được gia chủ chăm sóc ân cần, được nghỉ ngơi và ăn xôi, trứng.
Mặc dù tết chỉ diễn ra một ngày nhưng trước đó, các gia đình đã thực hiện các bước chuẩn bị cho ngày tết rất công phu. Người đàn ông trong nhà lựa chọn những mẻ thóc nếp ngon nhất, phơi và giã để làm nguyên liệu nấu xôi bảy màu. Phụ nữ thì đảm đương việc tìm nguyên liệu để nhuộm màu cho xôi và trứng gà. Các nguyên liệu dùng để nhuộm màu đều là các loại thảo dược được kiếm trong rừng hoặc trồng trong vườn nhà. Việc chuẩn bị trứng gà cũng được những người phụ nữ lựa chọn từ rất lâu, để dành đến ngày mồng 8/4 làm quà cho trẻ em.
Ngày đón tết, mỗi gia đình cử một đại diện là nam giới có sức khỏe tốt, mang cuốc, xẻng, dao phát lên đầu nguồn sửa sang lại nguồn nước, ống dẫn nước, phát quang đường dẫn nước về tới làng. Đồng thời, huy động thanh niên trong làng cùng nhau sửa sang lại đường vào thôn, phát quang cỏ cây ven đường cho khang trang, sạch sẽ để đón tết.
Buổi tối trước ngày tết, phụ nữ các gia đình bắt đầu lấy cây nhuộm màu đun lấy nước để ngâm gạo nếp, quá trình ngâm qua một đêm sẽ làm cho gạo nếp ngấm màu và có độ dẻo, ngon và thơm lâu. Cũng vào đêm hôm trước tết, khách từ xa tới, người già, người trẻ, trai gái trong làng tổ chức hát giao duyên đối đáp. Nội dung những câu hát nói về sự tích, ý nghĩa của tết và hỏi thăm nhau về một năm lao động sản xuất, về tình yêu đôi lứa.
Vào ngày tết “Sử giề pà”, các gia đình trong làng đều dậy từ rất sớm, phụ nữ chuẩn bị đồ xôi và luộc trứng để nhuộm màu xôi, còn những người đàn ông sắp xếp lại những đồ vật đã được chuẩn bị từ trước để dâng cúng. Người Bố Y tạ lễ con trâu trong nhà bằng cách nắm xôi cuộn vào cỏ để cho trâu ăn trước. Gia đình có bao nhiêu con trâu thì cuộn bấy nhiêu nắm xôi để tỏ lòng biết ơn con vật quý của gia đình.
Mọi người trong làng cũng góp gà, rượu... để làm một mâm cúng chung tại miếu nơi đầu nguồn nước của làng. Đặc biệt lễ vật để cúng phải có hình một con trâu làm bằng xôi bảy màu. Già làng sẽ cúng ở đầu nguồn nước để tạ ơn Trâu thần.
Cũng trong ngày Tết 8/4 này tất cả thanh niên trong thôn bản cùng tập trung lại chơi các trò chơi dân gian như đánh đu, đánh còn, đánh quay và các trò chơi đồng dao. Do điều kiện sinh sống của người Bố Y ở vùng miền núi địa hình dốc cao nên địa điểm vui, chơi chủ yếu được tổ chức trong các thửa ruộng bậc thang gần nhà. Ngoài các trò chơi dân gian còn có các hoạt động trình diễn nghệ thuật được yêu thích như: Hát đối đáp, giao duyên, hát ống…
Trong lễ cúng của làng tại đầu nguồn nước, sự tích con trâu đã được các nghệ nhân dân gian Bố Y tái hiện lại bằng một trò diễn, bằng những lời đối đáp và hành động cụ thể, để diễn lại sự tích con trâu xuống trần gian, con trâu giúp người cày ruộng, việc xỏ mũi trâu,... Tái hiện lại quá trình sản xuất lao động chuyển từ việc cuốc, chọc lỗ tra hạt sang phương thức sử dụng sức kéo của con trâu. Đây là mốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người Bố Y ngày xưa.
Tết “Sử giề pà” không chỉ mang ý nghĩa cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nguồn nước chảy mãi mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, niềm tin vào đấng siêu nhiên (như Trâu thần, thần nước…), cổ vũ người Bố Y trong lao động sản xuất, xây dựng bản làng bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc.