Người từ bỏ quốc tịch Mỹ cao kỷ lục trong năm nay
Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy số người bỏ quốc tịch Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay tăng kỷ lục. Tình hình chính trị, dịch bệnh và thuế được xem là 3 trong nhiều yếu tố dẫn tới hiện tượng này.
Truyền thông Mỹ đưa tin, công ty Bambridge Accountants, trụ sở ở New York, ngày 9/8 đã công bố một báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020, có 5.800 người Mỹ đã từ bỏ quốc tịch. Theo Bambridge Accountants, đây là mức tăng kỷ lục. Tổng cộng trong năm 2019, có 2.072 người bỏ quốc tịch Mỹ.
Công ty trên cho biết họ thống kê các con số dựa vào dữ liệu công khai do chính phủ Mỹ công bố 3 tháng/lần về danh sách những người bỏ quốc tịch.
“Đây chủ yếu là những người đã rời Mỹ và quyết định rằng họ đã có đủ mọi thứ”, Alistair Bambridge, một thành viên thuộc công ty Bambridge Accountants cho hay.
Theo ông Bambridge, một số nguyên nhân có thể kể đến như sự bất đồng quan điểm với các chính sách chính trị, chính quyền hiện nay, cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19.
Trong khi nhiều người từ bỏ quyền công dân vì phàn nàn rằng họ không hài lòng với môi trường chính trị hiện tại, một lý do khác được Bambridge đưa ra chính là các khoản thuế.
Công dân Mỹ sinh sống ở nước ngoài vẫn bị yêu cầu kê khai thuế hàng năm, báo cáo các tài ngoản ngân hàng nước ngoài, các khoản đầu tư và lương hưu. Dù các công dân này vẫn có thể nhận tiền hỗ trợ 1.200 USD và 500 USD cho mỗi người con, nhưng nhiều người vẫn cho rằng các khoản thuế thường niên họ phải đóng là quá nhiều.
Những người Mỹ muốn từ bỏ quốc tịch phải nộp 2.350 USD và trực tiếp tới đại sứ quán ở nước họ đang sinh sống, nếu họ ở bên ngoài nước Mỹ.
Dù việc từ bỏ quốc tịch Mỹ cũng ẩn chứa nguy cơ nhất định nhưng ông Bambridge dự đoán rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn. Ông nhận định nhiều người sẽ chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 sắp tới để xem chuyện gì sẽ xảy ra và họ có thể sẽ đưa ra quyết định dựa trên kết quả bầu cử.