Những pháo đài vững chắc trước bão dịch
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đề nghị mỗi gia đình hãy trở thành một pháo đài vững chắc trong tâm dịch, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ kiên cường trong pháo đài ấy. Và trên thực tế, nhiều gia đình với những hoàn cảnh, số phận khác nhau đã thực sự trở thành những thành trì kiên cố, mỗi người dân là những người lính chốt giữ chắc chắn, không lay chuyển trước cơn bão đại dịch Covid-19.
Vì xã hội, con đành cam bất hiếu
Trong cơn bão đại dịch Covid-19, nhiều địa phương đã phải thực hiện những biện pháp mạnh tay, cách ly, khoanh vùng để dập dịch. Có những gia đình phải đi cách ly tập trung cả nhà, bởi có tiếp xúc gần với người mắc bệnh Covid-19. Hầu hết mọi người đều vui vẻ, tự nguyện cách ly tập trung để đảm bảo không lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Chỉ có một vài trường hợp do thiếu nhận thức, trách nhiệm công dân kém, ích kỷ cá nhân đã trốn cách ly gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.
Trái ngược với những thành phần ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân, rất nhiều người đã kiên quyết ở lại nơi cách ly tập trung dù nhà xảy ra những việc trọng đại. Trong cả hai đợt chống làn sóng thứ nhất và thứ hai của đại dịch Covid-19 (đợt một trong tháng 3, 4 và đợt hai từ tháng 7 đến nay), có những trường hợp bố, mẹ, người thân mất đã phải lập bát nhang bái vọng từ xa chứ không thể về chịu tang được. Như trường hợp ông Trần Đình Sỹ (ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã phải rơi lệ chịu tang cha từ nơi cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Sau đó vài ngày, một câu chuyện xúc động tương tự diễn ra tại khu cách ly tại huyện Nam Đàn (Nghệ An). Từ Lào trở về nước, anh Hà Văn Dũng phải đến điểm cách ly tập trung. Được hai ngày, anh Dũng nhận tin báo người cha đột ngột qua đời do bệnh hiểm nghèo. Không thể về đội tang cha, anh Dũng lập bàn thờ nhỏ, có bát hương, hoa quả nhưng không có di ảnh ở một góc sân khu cách ly vái vọng tiễn đưa cha. Trước đó, anh Nguyễn Tiến Khoa (ở Quảng Bình) trong thời gian cách ly nhận hung tin mẹ mất cũng không thể về nhìn mặt mẹ lần cuối. Vì sức khỏe cộng đồng, anh Khoa chấp nhận ở lại khu cách ly đủ thời gian theo đúng quy định, sau đó mới về quê nhà chịu tang mẹ.
Và mới đây thôi, ông Trần Văn Toàn (ở phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) cũng đã gạt nước mắt, thắp hương bái biệt, tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng, từ khu cách ly tập trung. Ông Toàn vào chăm sóc cha ốm tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nên phải thực hiện đi cách ly tập trung do có người dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau khi ông vào khu cách ly thì nhận được tin cha mất. Mặc dù được gợi ý có thể về lo hậu sự cho cha, nhưng ông Toàn đã nén đau thương từ chối, chấp nhận làm đứa con bất hiếu để đảm bảo an toàn cho cộng đồng xã hội và người thân. “Thưa ba, con bất hiếu không thể đưa ba tới nơi an nghỉ cuối cùng. Con phải đi cách ly để mọi người được an toàn...” – mắt đỏ hoe, ông Toàn bái biệt cha lần cuối.
Sau ATM gạo đến ATM khẩu trang
Từ trưa 6/8, người dân TP HCM đi qua số 204B Vườn Lài (quận Tân Phú, TP HCM) vô cùng bất ngờ và phấn khởi vì tại đây đã mọc lên cây ATM khẩu trang miễn phí. Nhân viên quản lý ATM khẩu trang luôn có mặt, túc trực để hướng dẫn người dân thực hiện các bước đảm bảo vệ sinh, sát khuẩn theo yêu cầu và cách thức lấy khẩu trang miễn phí từ ATM. Người dân đến nhận khẩu trang xếp hàng giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, mỗi người một lần chỉ nhận 1 bịch (2 - 3 chiếc) khẩu trang. Tác giả của ATM khẩu trang không ai khác chính là anh Hoàng Tuấn Anh tác giả của ATM gạo trong đợt chống làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19 vào tháng 3, tháng 4 vừa qua.
Sau thành công của ATM gạo, anh Tuấn Anh tiếp tục sáng chế ATM khẩu trang nhằm phát khẩu trang miễn phí cho người nghèo tại TP HCM. Trước mắt, Tuấn Anh cùng đội nhóm sáng lập sẽ hoạt động ATM khẩu trang ngày thứ năm hằng tuần, bắt đầu từ 10h đến 16h, tại 204B Vườn Lài. Hầu hết số khẩu trang phát miễn phí do các nhà hảo tâm quyên góp. Tính đến ngày khai trương ATM khẩu trang (ngày 6/8), số lượng khẩu trang quyên góp được là khoảng 10.000 cái. Tuấn Anh chia sẻ, trong ngày đầu tiên vận hành ATM khẩu trang, anh cùng nhóm quản lý đã phát được cho khoảng hơn 1.000 lượt người tới nhận khẩu trang miễn phí. Tác giả ATM khẩu trang cho biết, thời gian tới nhóm sẽ cho các quận, huyện khác mượn mô hình để phát miễn phí khẩu trang cho người dân.
Trước đó, trong làn sóng thứ nhất đại dịch Covid-19, vốn có ý định làm thiện nguyện, phát đồ ăn, thức uống miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ chống chọi qua đận khó khăn dịch dã. Song, thấy một số điểm phát đồ ăn miễn phí có quá đông người dân tập trung, gây nguy cơ bùng phát đại dịch, Tuấn Anh trăn trở tìm hướng đi khác. Và cuối cùng, anh đã “tận dụng” lợi thế nghề nghiệp (làm mảng nhà thông minh, khóa điện tử) chế ra chiếc ATM tuôn ra... gạo. Với sáng kiến ATM gạo của Tuấn Anh, bà con nghèo được nhận lương thực mà không lo lây nhiễm Covid-19.
Lường trước được sẽ có một số người lợi dụng ATM phát gạo miễn phí để trục lợi, anh Tuấn Anh đã cử 3 nhân việc túc trực vừa để giúp bà con, vừa từ chối những kẻ có lòng tham đến “hôi” gạo. Mỗi lần bấm nút thông minh, ATM sẽ chảy ra 1,5 kg gạo, đủ cho một gia đình 4-5 người ăn trong 2 ngày. Dự kiến ban đầu của chủ cây ATM gạo là một ngày chỉ hết khoảng 300 kg, nhưng thực tế có ngày đã phát số gạo lên tới gần 3 tấn. Tuy nhiên, cũng may là nhờ sự lan tỏa lòng tốt hiếm có của Tuấn Anh, nhiều mạnh thường quân khác cũng đã có sự chung tay góp sức. Người thì góp gạo, người thì góp tiền, nếu không e rằng ATM gạo của Tuấn Anh cũng không thể hoạt động được suốt mùa dịch.
Lan tỏa sự yêu thương
Nếu ai từng chứng kiến những bức ảnh, những đoạn video quay lại cảnh từng xe lương thực, thực phẩm nối đuôi tiếp tế vào các khu phố cách ly của TP Đà Nẵng và TP Hội An (Quảng Nam), mới thấy hết được sự ấm áp yêu thương dành cho những người phải cách ly tại chỗ, phòng chống sự lây lan của SARS-CoV-2. Nhiều nơi vẫn còn đó những hình ảnh quen thuộc, đó là những người mẹ, người chị mang từng mớ rau, cân gạo, con gà nuôi được... đến các trung tâm cách ly tập trung tặng các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, nhân viên y tế để “tẩm bổ”, dưỡng sức chiến đấu với “giặc dịch”.
Có một câu đang dần trở thành “trend” trên mạng xã hội, đó là “Đà Nẵng gọi, cả nước trả lời”, hàm ý khi TP Đà Nẵng kêu gọi chi viện đã có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẵn sàng ứng cứu, tiếp viện. Ngay sau thư của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ gửi các địa phương khác đề nghị được chi viện nhân lực, vật lực, TP Hải Phòng, tỉnh Bình Định... đã lập tức đáp lại bằng việc cử đoàn cán bộ y tế tới tâm dịch Đà Nẵng. Hầu hết các y bác sĩ, điều dưỡng trong các đoàn công tác của TP Hải Phòng và tỉnh Bỉnh Định đều tự nguyện xung phong lên tuyến đầu chống “giặc dịch”. Họ từ biệt vợ/chồng, con cái, cha mẹ để đi vào tâm dịch Đà Nẵng với sự quyết tâm, lòng tự hào và tự nhủ với lòng, hứa với gia đình, đồng nghiệp sẽ trở về trong chiến thắng.
Thử hỏi các y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng tới Đà Nẵng chi viện cho các đồng nghiệp nơi đây có sợ không? Rất sợ là đằng khác, vì dịch bệnh có chừa ai đâu. Song, nỗi sợ đó không lớn bằng lòng quyết tâm, không cao bằng ý chí chiến đấu của những “người lính mặc áo blue trắng”. Khi mà "lòng quyết tâm còn cao hơn núi, vực không sâu bằng ý chí kiên cường" thì các bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng dấn thân, thậm chí chấp nhận hy sinh tính mạng để bảo vệ sự bình yên của cộng đồng xã hội, của Tổ quốc thân yêu. Lòng quả cảm đó không phải ai cũng có được, không phải ai cũng làm được. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Và chính vì sự không tiếc hy sinh bản thân của rất nhiều y bác sĩ, điều dưỡng mà chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ họ, nâng niu, khích lệ, động viên, đồng thời phải là hậu phương vững chắc để họ yên tâm nơi tuyến đầu chống “giặc”. Chẳng thế mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu mọi cá nhân, tổ chức, các cấp, ngành... phải có trách nhiệm bảo vệ đội ngũ chiến sĩ áo trắng. Bảo vệ họ chính là chúng ta đang bảo vệ chính mình, bởi họ chính là lá chắn cuối cùng ngăn giữa chúng ta và “giặc dịch”. Nếu để lá chắn cuối cùng ấy suy yếu, thì chính chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Để niềm tin chiến thắng thành hiện thực, chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa sự yêu thương.