4 bộ trưởng Li Băng từ chức sau vụ nổ như bom nguyên tử
Ít nhất 4 bộ trưởng Li Băng đã từ chức sau khi chính phủ nước này hứng chỉ trích vì vụ nổ ở cảng Beirut đầu tuần trước khiến hơn 200 người chết, hàng nghìn người bị thương.
Bộ trưởng Thông tin Li Băng Abde Sama là mat trong số 4 bộ trưởng Li Băng từ chức trong 2 ngày qua (Ảnh: List23).
Reuters dẫn thông tin truyền thông địa phương cho biết, Bộ trưởng Tài chính Li Băng Ghazi Wazni hôm nay 10/8 đã đệ đơn từ chức. Như vậy, ông Wazni là bộ trưởng thứ tư trong nội các Li Băng từ chức trong vòng 2 ngày trở lại đây sau vụ nổ ở cảng Beirut.
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Marie-Claude Najm, Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad cũng đã đệ đơn từ chức.
Chính phủ Li Băng dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp nội các vào hôm nay giữa đồn đoán rằng chính phủ đồng loạt từ chức. Nếu 7 trong số 20 bộ trưởng từ chức, nội các Li Băng sẽ tự động trở thành chính phủ lâm thời. Đến nay ít nhất 9 đại biểu quốc hội Li Băng cũng đã từ chức.
Các bộ trưởng nội các Li Băng từ chức hàng loạt sau khi chính phủ nước này hứng chỉ trích vì vụ nổ ở cảng Beirut chiều 4/8. Thống đốc Beirut Marwan Abboud hôm nay cho biết, ít nhất 220 người có thể đã thiệt mạng sau vụ nổ, hàng chục người vẫn mất tích trong đó có các công nhân nước ngoài, và hơn 5.000 người bị thương. Vụ nổ phá hủy hàng loạt hạ tầng ở Beirut, thiệt hại ước tính ít nhất 5 tỷ USD. Thống đốc Abboud ví vụ nổ tương tự như những gì xảy ra trong vụ nổ bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trước kia.
Giới chức nước này cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là 2.750 tấn amoni nitrat mà hải quan Beirut tịch thu từ một tàu hàng nước ngoài cách đây gần 7 năm. Nhiều nguồn tin cho biết, số hóa chất này vẫn được cất giữ trong kho cảng Beirut bất chấp cảnh báo nguy hiểm tiềm tàng.
Vụ nổ trở thành “giọt nước tràn ly” khiến nhiều người dân ở Li Băng - những người vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề của nội chiến, khủng hoảng kinh tế và đại dịch - xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động khi người biểu tình tìm cách xông vào các trụ sở chính quyền như tòa nhà quốc hội, trụ sở bộ ngoại giao, và đụng độ với lực lượng an ninh.