Bước tiến lớn cho hòa bình Afghanistan
Hàng nghìn chính trị gia, thủ lĩnh cộng đồng và trưởng lão ở Afghanistan đã tham dự hội nghị hòa bình lớn nhất từ trước đến nay tại Thủ đô Kabul. Một bước tiến cho nền hòa bình của quốc gia này được nhen nhóm sau gần 2 thập kỷ đẫm máu.
Quyết định then chốt
Theo Reuters, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã mời 3.200 lãnh đạo từ các cộng đồng tộc trưởng, nhân sĩ, giáo sĩ… hay còn gọi là Hội đồng Trưởng lão (Loya Jirga) trên khắp Afghanistan cùng các chính trị gia tới thủ đô Kabul dự Hội nghị Hòa bình vào ngày 7/8.
Hội nghị được diễn ra bất chấp những nguy cơ an ninh và quan ngại về đại dịch Covid-19, để họ có thể cho ý kiến và tham vấn chính phủ về một tiến trình hòa bình với lực lượng đối lập Taliban. Đây là hội nghị có số lượng những “thủ lĩnh đứng đầu” tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay tại quốc gia này.
Một trong những vấn đề quan trọng được Hội đồng xem xét là việc trả tự do cho các tù nhân Taliban theo đúng cam kết hòa bình giữa phía Chính phủ đối với lực lượng đối lập. Ngay tại buổi khai mạc, Tổng thống Ashraf Ghani cho biết, nếu Chính phủ trả tự do cho 400 tù nhân Taliban phạm trọng tội, Taliban sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trong vòng 3 ngày và cam kết ngừng bắn.
Quá trình trao đổi này đã gần hoàn tất với trên 4.900 tù nhân Taliban và trên 600 binh sĩ của Afghanistan đã được trả tự do. Tuy nhiên, Tòa án Afghanistan đã từ chối phóng thích trên 400 tù nhân Taliban bị cáo buộc phạm phải các tội nghiêm trọng như thực hiện vụ đánh bom năm 2017 ở gần Đại sứ quán Đức ở Kabul, cho rằng số phận của những đối tượng này sẽ do Hội đồng Trưởng lão quyết định.
Việc trao đổi tù nhân là một phần trong thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban đạt được hồi tháng 2/2020 và được xem là rào cản đối với các cuộc đối thoại hòa bình tại nước này. Theo thỏa thuận, Kabul cam kết thả khoảng 5.000 tù binh Taliban để đổi lấy tự do cho trên 1.000 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Afghanistan.
Dưới sự thuyết phục của Chính phủ, cuối cùng Hội đồng Trưởng lão cũng đã ra một nghị quyết nêu rõ: “Để loại bỏ chướng ngại vật, cho phép bắt đầu tiến trình hòa bình và chấm dứt đổ máu, Hội đồng chấp thuận thả 400 tù nhân Taliban” – Reuters đưa tin. “Hôm nay, tôi sẽ ký lệnh thả 400 tù nhân này”-Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vui mừng cho biết ngay sau đó. Đây được coi là “quyết định then chốt” thể hiện quyết tâm tiến tới hòa bình của người đứng đầu Chính phủ.
Theo truyền thông tham gia hội nghị, 400 tù nhân cuối cùng của Taliban được chính quyền thả tự do trong đợt này đều là những người bị cáo buộc thực hiện những tội ác nghiêm trọng cũng như những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Afghanistan. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều phía, việc thả 400 tù nhân này để đổi lại hòa bình là cần thiết. “Đôi khi cái giá của hòa bình lại là sự nhường nhịn, thỏa hiệp với nhau để đẩy lùi các tội ác” - theo bình luận trên các trang mạng khu vực.
Hy vọng mong manh
Trước khi Hội nghị này diễn ra, từ ngày 31/7, các lực lượng an ninh của Afghanistan và Taliban đã bắt đầu thực hiện lệnh ngừng bắn 3 ngày nhân dịp lễ Eid al-Adha của các tín đồ Hồi giáo. Đây là lệnh ngừng bắn chính thức thứ 3 trong gần 19 năm giao tranh ở Afghanistan.
Giới chức tại Kabul và đại diện Taliban đều ngụ ý rằng tiến trình hòa đàm bị trì hoãn từ lâu ở Afghanistan có thể bắt đầu ngay sau lễ Eid al-Adha. Trong khi đó các nhà ngoại giao phương Tây cho biết các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến sẽ bắt đầu tại Doha trong tuần tới.
Việc các bên nối lại đàm phán đem lại hy vọng, dù mong manh cho một nền hòa bình của Afghanistan sau gần 2 thập kỷ đẫm máu. Chỉ tính riêng trong năm 2019, hơn 10.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng vì xung đột và bạo lực, nâng tổng số dân thường tử vong trong một thập kỷ qua lên hơn 100.000 người - theo báo cáo của Liên hợp quốc.
Khoảng 60.000 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Afghanistan đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kể từ năm 2014 khi Mỹ bắt đầu giảm hiện diện tại nước này. Từ đầu năm nay, khi thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Washington và Taliban, lực lượng chính phủ và dân thường ngày càng hứng chịu nhiều thương vong. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, đến cuối tháng 11 này sẽ chỉ còn ít hơn 5.000 lính Mỹ đóng ở Afghanistan. “Lúc đó, hòa bình của Afghanistan sẽ do đất nước chúng tôi tự quyết” – một thủ lĩnh đối lập Taliban nói với truyền thông.