Quảng Trị: Tiếp sức để người dân thoát nghèo
Thông qua sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hay, cách làm sáng tạo góp phần vào công cuộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương.
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để tiếp sức cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chỉ trong 5 năm (2016 - 2020), từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ các cấp đã phân bổ kinh phí, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 427 hộ gia đình với tổng kinh phí lên đến 2,570 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, bao tiêu sản phẩm cho người dân lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực
Chính từ nguồn hỗ trợ trên, nhiều hộ dân đã bắt tay vào việc xây dựng nhiều mô hình kinh tế hay, bước đầu đem lại hiệu quả cao như mô hình trồng cây ăn trái, nuôi bò, hươu sao lấy nhung, dê… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhờ đó nhiều hộ gia đình đã từng thoát nghèo.
Đặc biệt, trong năm 2018, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi suất cho 24 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Gio Hải, huyện Gio Linh xây dựng mô hình Tổ hợp tác, thu mua, bảo quản chế biến thủy hải sản, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng với thời gian vay là 3 năm (từ 2018 - 2020) với tổng trị giá mô hình 360 triệu đồng.
Bà Hoàng Thị Nghị- Đội trưởng Hợp tác xã thu mua chế biến hải sản thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, mô hình này hiện có 24 hộ gia đình cùng tham gia hợp tác xã, trong đó có 18 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo, đến nay đã đi vào hoạt động được 3 năm bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định.
“Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có 5 hộ gia đình thoát nghèo vươn lên khá giả, việc thu mua thuỷ hải sản được ổn định, người dân sau khi đánh bắt không lo các thương lái ép giá, thu nhập các người dân tham gia hợp tác xã ổn định, bước đầu mang lại cuộc sống ấm no hơn trước khi tham gia hợp tác xã”- bà Nghị cho biết.
Còn tại xã Triệu Nguyên thuộc huyện miền núi Đakrong, từ năm 2018, nhờ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hỗ trợ khác với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng, xã bắt đầu thực hiện mô hình nuôi hươu sao lấy nhung theo hình thức cá nhân và hộ gia đình. Đến nay đã có 19 hộ tham gia nuôi, với tổng đàn lên đến 58 con.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, những năm qua MTTQ các cấp đã cùng với chính quyền, phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện nhiều dự án giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện nguồn vốn cho đoàn viên, hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
“Thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành tổng kết thí điểm các mô hình từ đó tìm ra những hướng đi, cách làm bền vững để nhân rộng. Đồng thời, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cần có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ tái nghèo, hộ vượt nghèo, hộ cận nghèo với hình thức hỗ trợ về vốn, cây con, giống, nhà ở, đất sản xuất, việc làm… giúp các đối tượng này để có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo”, ông Sơn cho biết.