Vẫn nóng chuyện chuyển giá, trốn thuế
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, chỉ tính riêng năm 2018, số doanh nghiệp (DN) vi phạm về thuế là gần 96.000 DN, gấp 3 lần của năm 2010. Tổng số thuế TNDN thu về được sau thanh kiểm tra là khoảng 7.145 tỉ đồng; số giảm lỗ là gần 41.000 tỉ đồng.
Có một thực tế, việc tránh thuế thông qua chuyển nợ/lãi vay không chỉ xảy ra ở các công ty đa quốc gia mà còn cả với các công ty trong nước. Các tổng công ty/tập đoàn có xu hướng thành lập nhiều công ty thành viên để có thể dễ dàng điều tiết chi phí/lợi nhuận. Cụ thể mới đây nhất, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) điều tra, làm rõ dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế TNDN của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Kết quả kiểm toán cho thấy, hoạt động kinh doanh chính và duy nhất của Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL là cho thuê kho bãi và công ty đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu. Doanh thu cho thuê kho bãi với Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu từ năm 2015 đến năm 2019 là 3.404 tỷ đồng. Giá thuê kho bãi bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng. Qua so sánh, giá thuê Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu trả cho Công ty PTL cao gấp 7 lần so với giá Công ty PTL thuê kho bãi của CTCP Thành Chí (1 USD/m2/tháng) và gấp 4,7 lần giá Công ty PTL thuê của CTCP Cảng Tổng hợp Thị Vải (1,53 USD/m2/tháng).
Như vậy, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỷ đồng (bằng 78,72% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015-2019).
Theo một số chuyên gia, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết được cho là vẫn có kẽ hở. Đại diện Công ty TNHH chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, Nghị định 20 ra đời có mục đích chính là để chống chuyển giá, ngoài ra giúp giảm rủi ro cho ngân hàng và để thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên với Khoản 3, Điều 8 của Nghị định này gây khó khăn cho nhiều DN, đặc biệt những DN sử dụng nhiều vốn vay.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nghị định này cho phép tổng chi phí lãi vay “được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần”, hợp lý hơn mức trần (20%) của quy định trước đây.
Giới chuyên gia nhận định mức chi phí lãi vay/EBTDA (hệ số khả năng thanh toán lãi vay) của ngành bất động sản đang có xu hướng giảm xuống dưới 20% trong những năm gần đây nên về dài hạn thì việc sửa đổi này sẽ không làm gia tăng đáng kể giá trị cho các công ty bất động sản.
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, Chính phủ không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số DN. Ngoài việc hạn chế hành vi trốn tránh thuế, việc hạn chế mức trần lãi vay được khấu trừ thuế còn làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN trong nước với các DN FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài.