Trùng tu tôn tạo di tích theo kiểu… làm mới
Đình Hoàng Cầu nằm trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia. Trước khi tu bổ, đình còn chắc chắn. Gần đây, người ta đã lập nên một dự án để trùng tu tôn tạo theo kiểu đập bỏ thay mới. Người dân bản địa đau xót, bức xúc!
Trong quá khứ, việc mang danh là tu bổ nhưng thực chất là đập bỏ xây mới từng diễn ra nhiều nơi. Ví dụ như đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Công trình đình Lương Xá được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ.
Nhưng đã bị người ta phá bỏ thay vào đó là những khối bê tông. Cách ứng xử với di sản theo kiểu “làm mới di tích” cũng đã xảy ra với những di tích lớn: Thành nhà Mạc (Tuyên Quang); Cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, tỉnh Nam Định) được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012 bị tu sửa theo kiểu làm mới di tích; hay bờ kè 200 năm tuổi ngay trong lòng di sản cố đô Huế bị đập đi xây mới làm hỏng hoàn toàn kết cấu cho đến nay vẫn chưa có biện pháp khôi phục lại… còn rất nhiều di tích đã bị người ta lập dự án nhiều tỉ đồng để làm mới dưới danh nghĩa trùng tu tôn tạo.
Quay trở lại với câu chuyện trùng tu tôn tạo đang diễn ra tại Đình Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia đã bị phá dỡ đang trong quá trình làm mới.
Theo ghi nhận của phóng viên: Tại vị trí của đình Hoàng Cầu hiện là một công trường ngổn ngang xi măng sắt thép, dấu tích còn lại của đình chỉ là một vài trụ cổng lấp ló sau những tấm bạt bao quanh. Ông Nguyễn Quang T (xin giấu tên), cùng một số người dân tại đây bức xúc cho biết: “Họ phá hết rồi chỉ còn vài trụ cổng, cái đình đẹp lắm, người dân mới góp tiền sửa chữa chừng cách đây vài năm thôi. Trước khi phá dỡ những người dân gốc chúng tôi ở đây không được thông báo để họp. Chúng tôi tiếc lắm nhưng họ bảo là lệnh của quận ai dám ngăn cản”.
Như thông tin trên bảng thi công công trường: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty cổ phần kiến trúc và xây dựng công trình văn hóa Việt và Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Long Thịnh… Công trình được khởi công từ tháng 5 năm 2020 dự kiến hoàn thành vào quý I năm 2021.
Người dân nơi đây mong muốn chính quyền trả lời về lý do mà một ngôi đình được xếp hạng di tích lại bị phá bỏ thay vào đó là một công trình bê tông cốt thép đang dần hình thành chờ ngày được “khai sinh”. Cùng với đó là những câu hỏi đặt ra về tính minh bạch của dự án: Số tiền chính xác đầu tư để thực hiện dự án là bao nhiêu? Cùng với đó là nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước hay từ nguồn xã hội hóa; dự án có được thực hiện đúng theo luật đấu thầu đã quy định hay không… nhiều dấu hỏi liên quan tới số phận của đình Hoàng Cầu được người dân đặt ra trong đó có cả tiền công đức bấy lâu nay. Cùng với đó là những cấu kiện của đình sau khi phá dỡ có được bảo quản đúng với quy trình hay không?
Có thể thấy người dân nơi đây đau xót khi phải tận mắt chứng kiến ngôi đình cổ còn giữ được những nét đẹp cổ kính của thời gian bị phá bỏ trong một đêm. Trong quá trình phóng viên ghi lại một số hình ảnh của công trường thì có một người dân đi qua nói với lại: “Di tích lịch sử mà lại phá đi theo kiểu xây mới thì còn gì”.
Để thông tin được khách quan đa chiều, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa thì vị Chủ tịch phường này đã chỉ dẫn lên UBND quận Đống Đa để tìm hiểu thông tin. Câu hỏi đươc đặt ra là một dự án được minh bạch thì vì sao UBND phường Ô Chợ Dừa lại không thể cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận nhằm đưa câu trả lời thỏa đáng tới dư luận tránh sự hiểu nhầm, gây mất lòng tin của người dân?
Theo Điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều 34 Luật Di sản văn hóa quy định rõ: “1. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; 2. Tổ chức, cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân”.
Như vậy việc di tích lịch sử đình Hoàng Cầu được làm mới gần như hoàn toàn có đúng với quy định của luật di sản văn hóa đã quy định hay không? Và yếu tố gốc cấu thành di tích nào sẽ được giữ gìn? Việc trùng tu bằng cách phá đi làm mới hoàn toàn như vậy có giữ lại được tinh thần cũng như sự tinh tế trong cách làm của người xưa? Liệu đơn vị giám sát dự án trùng tu tôn tạo đình Hoàng Cầu có nghề hay không? Hay chỉ là chiếu lệ?... Bởi bài học về nhiều di tích bị trùng tu theo kiểu làm mới còn đó và cho đến nay vẫn không thể khôi phục nguyên trạng. Hãy bảo vệ và trùng tu di tích mà cha ông đã để lại bằng sự tôn trọng, có nghĩa đừng phá bỏ dấu tích giá trị về thời gian để làm mới.