Doanh nghiệp ngăn sông, mở đường ở Lạng Sơn: Huyện yêu cầu phá dỡ, tỉnh lại cho tồn tại?
Một doanh nghiệp tự ý ngăn sông, mở đường xuyên lòng sông Trung tại địa bàn xã Nhật Tiến để vận chuyển cát sỏi, đã bị chính quyền huyện Hữu Lũng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, nhưng con đường vẫn tồn tại trong thời gian dài. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn có văn bản đồng ý về chủ trương cho “hợp thức hóa” để con đường tiếp tục được tồn tại khiến dư luận không khỏi bất bình.
Thời gian vừa qua, để phục vụ cho việc vận chuyển cát sỏi đi tiêu thụ, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Sơn Thuỷ (Công ty Khoáng sản Sơn Thuỷ - trụ sở chính tại ngõ 264 đường Ngọc Thuỵ, tổ 13, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội) đã tự ý ngăn sông, ngang nhiên đổ đất làm một con đường lớn cắt ngang qua sông Trung, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng. Việc doanh nghiệp tự ý ngăn sông làm đường, cộng với việc xe tải chở cát sỏi chạy rầm rập suốt ngày đêm đã khiến người dân xã Nhật Tiến hết sức bất bình.
Theo ghi nhận của phóng viên, con đường chạy qua lòng sông Trung có chiều dài khoảng 20 chục mét, chắn ngang lòng sông, xuyên từ bờ bên sông bên này sang bờ sông bên kia để phục vụ cho xe chở cát sỏi qua lại. Ngay sát bờ sông, bãi tập kết cát sỏi với các loại máy móc hoạt động rầm rộ gây khói bịt mù mịt.
Người dân địa phương phản ánh, việc tự ý ngăn sông, mở đường cho xe tải chở cát sỏi đi xuyên sông Trung sẽ rất nguy hiểm khi mùa lũ nước lên cao, gây ảnh hưởng đến độ dâng nước công trình cầu ngầm ngay sát phía bên trên. Đặc biệt, tuyến cầu ngầm phía trên lại là tuyến đường chính người dân đi lại vào trung tâm xã. Hơn nữa các xe chở cát sỏi chạy rầm rập gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Phát hiện sự việc, ngành chức năng huyện Hữu Lũng đã yêu cầu Công ty Khoáng sản Sơn Thuỷ chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng đường ngầm qua sông tại khu vưc thôn Tân Nhiên và Đoàn Kết, xã Nhật Tiến. Đồng thời tổ chức khắc phục, tháo dỡ di dời toàn bộ công trình đường ngầm qua sông, trả lại hiện trạng ban đầu trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn và khơi thông dòng chảy của sông.
Do công ty này không chấp hành, ngày 7/5/2020, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng đã ký ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đối với Công ty Khoáng sản Sơn Thuỷ. Đồng thời UBND huyện Hữu Lũng buộc Công ty Khoáng sản Sơn Thủy khôi phục lại tình trạng ban đầu lòng sông Trung đã bị thay đổi; tháo dỡ công trình, dỡ bỏ di dời các vật gây cản trở dòng chảy sông Trung, trả lại hiện trạng ban đầu cho dòng sông. Theo đó, thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Tuy nhiên, quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu của UBND huyện Hữu Lũng chỉ có tác dụng trên giấy. Bởi sau đó, doanh nghiệp không những không tháo dỡ con đường “bất hợp pháp” này mà vẫn tiếp tục sử dụng như chưa hề có lệnh tháo dỡ của chính quyền.
Thậm chí, để “hợp pháp hóa” con đường xuyên sông trên, sau đó, Công ty Khoáng sản Sơn Thủy đã nhanh chóng có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn và Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn để xin phép làm ngầm tạm qua sông Trung đúng vị trí mà công ty này đã mở con đường trái phép.
Sau khi nhận được tờ trình của Công ty Khoáng sản Sơn Thủy, ngày 31/5/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu (hiện nay là Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn) ký gửi Sở GTVT, UBND huyện Hữu Lũng, UBND xã Nhật Tiến, Công ty Khoảng sản Sơn Thuỷ. Công văn này thể hiện: “Xét báo cáo của Sở GTVT về việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của vị trí ngầm Thác Chẽ, Lân Dầu qua sông Trung, UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý chủ trương xây dựng vị trí ngầm tràn Thác Chẽ, Lân Dầu qua sông Trung thuộc thôn Tân Nhiên và thôn Đoàn Kết, xã Nhật Tiến bằng hình thức xã hội hoá do Công ty Khoáng sản Sơn Thuỷ thực hiện để phục vụ việc đi lại của nhân dân hai bên bờ sông và kết hợp cho Công ty Khoáng sản Sơn Thuỷ làm đường vận chuyển cát sỏi qua sông như báo cáo đề xuất của Sở GTVT Lạng Sơn”.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng giao cho UBND huyện Hữu Lũng chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND xã Nhật Tiến kiểm tra thường xuyên về công tác quản lý, vận hành, khai thác, công tác đảm bảo an toàn giao thông, tại vị trí ngầm và yêu cầu công ty Khoáng sản Sơn Thủy thường xuyên duy tu, sửa chữa kịp thời các hư hỏng phát sinh để nâng cao tuổi thọ công trình, đảm bảo an toàn giao thông.
Sự việc này càng khiến người dân bất bình và cho rằng, việc Tỉnh đồng ý chủ trương cho “hợp thức hóa” con đường xuyên sông của doanh nghiệp được tồn tại chủ yếu là phục vụ mục đích cho doanh nghiệp vận chuyển cát sỏi qua sông, chứ chả mấy người dân địa phương có nhu cầu qua lại con đường này.