Dư âm của một kỳ thi đặc biệt
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, dư luận xã hội đã “thở phào” nhẹ nhõm, dịch bệnh không “tấn công”, phá hỏng kỳ thi và chúng ta đã thành công.
Bao trùm lên tất cả là sự trăn trở, làm sao để tổ chức dạy học hiệu quả cho học sinh các lớp cuối cấp, trong đó lớp 12 được ưu tiên hàng đầu. Bộ GDĐT đã ban hành văn bản tinh giản chương trình, cắt bỏ 5 đến 7 tuần dạy học; công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 và dời thời gian kỳ thi quốc gia 1 tháng rưỡi, tới ngày 8/8. Tuy nhiên, chỉ còn 2 tuần nữa là tới ngày tổ chức kỳ thi THPT, bất ngờ đã xảy ra, hai ổ dịch Covid-19 bùng phát và có nguy cơ lan rộng ra hơn 15 tỉnh thành phố khác trong cả nước.
Trên cơ sở bàn bạc dân chủ, công khai trong toàn ngành và bằng sự chủ động, lãnh đạo Bộ GDĐT đã linh hoạt tìm ra và quyết định tổ chức kỳ thi quốc gia thành 2 đợt cho học sinh ở những vùng an toàn dịch bệnh và ở những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao. Đây là quyết định đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh ở nước ta đang diễn biến khó lường.
Như vậy, cả nước đã tổ chức cho trên 96% học sinh tham gia kỳ thi THPT. Như thế, cơ bản học sinh học xong THPT đã được dự thi và sẽ ra trường, không bị “ứ đọng” và các trường ĐH, CĐ cũng không bị gián đoạn tuyển sinh và không còn nguy cơ không có học sinh vào học năm đầu của các trường. Trên 2 vạn học sinh phải thi đợt 2, đây là số lượng nhỏ, bao gồm những học sinh đang chịu thiệt thòi vì dịch bệnh. Kỳ thi đợt 2 sẽ diễn ra công bằng, tương đồng với kỳ thi đợt 1. Thời gian thi đợt 2 phụ thuộc vào diễn biến dịch ở các vùng đang có dịch. Trong trường hợp rủi ro nhất, không thể tổ chức thi đợt 2 thì phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho những học sinh này là đúng Luật và phù hợp với cả trách nhiệm, lương tâm và cả giá trị nhân văn của nhà trường chúng ta: Không bỏ rơi một học sinh nào.
Đề thi được dư luận trong cộng đồng thí sinh và các nhà giáo lâu năm, có kinh nghiệm ôn thi đánh giá là chất lượng, không sai sót, vừa sức, bám sát hướng dẫn thi của Bộ, không có “đánh đố” nhưng vẫn có khả năng phân hóa cao, giúp các trường thuận tiện trong việc xét tuyển vào các trường ĐH. Đề thi các môn KHXH, như Ngữ văn, Giáo dục công dân… được cho là theo sát vào tình hình đất nước, phù hợp với thời sự và khó khăn chung của toàn cầu do dịch bệnh gây ra. Đây là ưu điểm về đổi mới đề thi: Nhà trường rộng cửa, vươn xa, học sinh được trải nghiệm và dạy học gắn kết với thực tiễn xã hội và cộng đồng. Các địa phương đã làm tốt vai trò chủ đạo tổ chức thi theo Luật Giáo dục đã quy định.
Kỳ thi THPT năm nay “có một không hai”, được tổ chức trong bối cảnh hết sức căng thẳng của đại dịch Covid-19, vừa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả những ai có liên quan tới kỳ thi và còn phải thực hiện nghiêm túc các quy chế thi là một việc vô cùng khó và chưa từng có tiền lệ. Một số điểm thi ở Bắc Ninh, Điện Biên và Bình Phước có cán bộ coi thi còn vị phạm nghiệp vụ thi, dẫn tới phải tổ chức thi lại bằng đề thi dự bị là một điều thật đáng tiếc cho một kỳ thi với kỳ vọng tuyệt đối an toàn và đúng quy chế. Tuy nhiên dư luận có thể cảm thông cho kỳ thi quá đặc biệt, quá khó khăn như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã thành công giai đoạn đầu, “đầu đã xuôi”. Giai đoạn thứ hai của kỳ thi còn rất phức tạp, âm thầm, khó khăn đang ở phía trước và bài học nhãn tiền về vi phạm nghiêm quy chế thi trọng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn còn đó. Với mong muốn “đuôi sẽ lọt”, chúng ta hoàn toàn hy vọng ở một kỳ thi “đặc biêt” năm 2020 sẽ thành công mỹ mãn, giữ lại niềm tin yêu của xã hội với ngành giáo dục cũng như đem lại niềm vui sướng cho hàng triệu thí sinh và gia đình các em.