Kiều hối năm nay sẽ thế nào?
Năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu được dự báo sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 . Việt Nam cũng không đứng ngoài dự báo này.
Theo phân tích từ giới chuyên gia hiện nay trên thế giới dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều lao động ở nước ngoài mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, dẫn tới lượng kiều hối chuyển về cho người thân giảm.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, doanh số kiều hối về TP.Hồ Chí Minh đạt 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó kiều hối chuyển về TP.HCM những năm qua luôn chiếm 52-55% tổng lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam
Nhìn lại trong 2 quý đầu năm 2020 cho thấy, lượng kiều hối từ các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc giảm mạnh. Diễn biến tương tự cũng diễn ra với lượng kiều hối từ các quốc gia truyền thống như Mỹ, Anh, Canada, Australia...
Một số công ty chuyên về kiều hối cho biết, lượng kiều hối chuyển về đã giảm mạnh, có nơi giảm 50% so với cùng kỳ. Công ty kiều hối Đông Á cho biết, doanh số kiều hối nửa tháng 4 của Công ty đã giảm một nửa so với cùng kỳ tháng 3. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường châu Âu, kế đến là Mỹ, Canada thị trường Australia cũng giảm 30%
Kiều hối hiện nay đến từ 2 nguồn, kiều bào định cư ở nước ngoài và lao động ở nước ngoài, trong đó nguồn từ kiều bào chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống và làm việc như Nga, Mỹ, Pháp…, trong đó lượng kiều bào ở Mỹ chiếm đến 50% kiều bào đang sinh sống trên toàn thế giới. Khi phải thực hiện cách xã hội, hàng loạt cửa hàng nail, nhà hàng, tiệm sửa xe…phải đóng cửa, nên đã ảnh hưởng đến thu nhập, khiến lượng kiều hối chuyển về cho người thân giảm theo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nên từ nay đến cuối năm tình hình tài chính của kiều bào bị tác động mạnh. Vì vậy, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay sẽ giảm mạnh từ 10-20%. Chưa hết, tình hình kinh tế trên thế giới ngày càng xấu đi, theo báo cáo IMF, kinh tế thế giới năm nay sẽ giảm âm 5%, GDP của Mỹ trong quý II giảm 32,9% trên cơ sở một năm, còn nếu tính từ quý I sang quý II giảm khoảng 9%. Trước tình trạng đó, kiều bào sinh sống ở Mỹ ảnh hưởng rất nhiều.
Nhiều thống kê cũng chỉ ra, trong những năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển vào lĩnh vực đầu tư bất động sản và chứng khoán khá nhiều. Do Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi thông điệp, cẩn trọng với dòng tín dụng đổ vào bất động sản nên nhà đầu tư buộc phải đi tìm nguồn đầu tư thay thế, trong đó có kiều hối.
Một số ý kiến lo ngại kiều hối đổ vào lĩnh vực này chủ yếu để “lướt sóng”, vì vậy nếu không được kiểm soát chặt có thể tạo nên bong bóng.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng tổng lượng ngoại tệ tăng mỗi năm là điều tích cực. Tuy nhiên, vì đây là nguồn tiền của dân nên việc quyết định đầu tư vào đâu là quyền của họ, phụ thuộc vào việc họ đặt niềm tin vào lĩnh vực nào: Sản xuất kinh doanh, bất động sản, cổ phiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng…
Chính vì vậy, muốn hướng kiều bào đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, Chính phủ cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho họ, hay những người thụ hưởng nguồn tiền này.
“Để có thể tận dụng nguồn kiều hối, Việt Nam cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản, thủ tục hành chính…” - ông Doanh nhấn mạnh.
Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp nên từ nay đến cuối năm tình hình tài chính của kiều bào bị tác động mạnh. Vì vậy, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay dự báo sẽ giảm mạnh.