Sụt giảm vốn FDI vào bất động sản: Không đáng lo!
Nguồn vốn FDI vào bất động sản tiếp tục giảm khi 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95.1% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, sự sụt giảm này chỉ là tạm thời. Các nhà đầu tư vẫn đang chờ cơ hội để đổ vốn vào Việt Nam, bởi theo các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mọi lĩnh vực, không riêng gì bất động sản.
Vốn FDI rớt xuống vị trí thứ 4
Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký gần 850 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.
Lý giải về tình trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và trong nước, theo đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ. Tuy vậy, Bộ Xây dựng cũng cho biết, mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó.
Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho hay, tổng nguồn vốn FDI vào TP Hồ Chí Minh trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 310,82 triệu USD, giảm 58,32% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 3,6% tổng nguồn vốn FDI cả nước. Trong đó, ngành xây dựng bất động sản chỉ thu hút được 35 triệu USD, chiếm 11,3%.
Sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản không phải là một điều gì quá bất ngờ, tình huống này cũng đã được giới chuyên gia, nhà quản lý lường trước bởi những khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Sụt giảm chỉ là tạm thời
Tuy nhiên, với những diễn biến của thị trường trong thời gian gần đây cho thấy, sự sụt giảm này chỉ là tạm thời. Các nhà đầu tư vẫn luôn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam, coi đây là điểm “dừng chân” lý tưởng trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, dịch bệnh khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều DN nước ngoài đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc và đây là cơ hội để Việt Nam đón làn sóng FDI sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế. “Tất nhiên, trong đó lĩnh vực bất động sản cũng sẽ đón nhận một luồng vốn không nhỏ từ các quốc gia dịch chuyển này” – ông Hiếu nói và khẳng định, cơ hội để bất động sản đón nhận dòng vốn FDI mới là rất lớn. Tình hình sụt giảm hiện nay hoàn toàn không đáng lo ngại.
Giới chuyên gia trong ngành cũng nêu quan điểm, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn mảng nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng, khi Việt Nam có dân số trẻ lớn, GDP tăng đều, có bờ biển khí hậu nhiệt đới ấm áp quanh năm… là những điều kiện để thu hút vốn vào các mảng bất động sản này.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư cho thị trường bất động sản.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam, EVFTA thực thi mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới. Hiệp định này cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm và thêm nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản, trong đó có điểm sáng bất động sản công nghiệp.