Bộ trưởng Y tế Mỹ bình luận về vắcxin ngừa Covid-19 của Nga

12/08/2020 08:59

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng vấn đề không phải là ở chỗ có vắcxin đầu tiên mà là phải có một loại vắcxin an toàn.

Mỹ và Đức nghi ngờ vắcxin ngừa Covid-19 của Nga. (Nguồn: AP).

Ngày 11/8, trước thông tin Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vắcxin ngừa Covid-19, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng vấn đề không phải là ở chỗ có vắcxin đầu tiên mà là phải có một loại vắcxin an toàn.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC, ông Azar khẳng định: “Vấn đề không phải là quốc gia đầu tiên có vắcxin. Vấn đề là phải có một loại vắcxin an toàn, hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới.”

Theo Bộ trưởng Y tế Mỹ, cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải được đưa ra từ giai đoạn với 3 thử nghiệm lâm sàng để cho thấy một loại vắcxin an toàn và hiệu quả.

Ông Azaz cho biết Tổng thống Mỹ đang chỉ đạo chương trình “Warp Speed” - sáng kiến giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất vắcxin với 6 loại vắcxin đang được phát triển, đồng thời cho rằng có thể có hàng chục triệu liều vắcxin đạt tiêu chuẩn vàng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 12 và hàng trăm triệu liều vào năm 2021.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế Đức ngày 11/8 cho rằng vẫn chưa có dữ liệu về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vắcxin ngừa Covid-19 mà Nga điều chế và vừa được đăng ký lưu hành.

Quan chức trên nói: “Việc cấp phép cho vắcxin ở châu Âu, cùng với xác nhận chất lượng tân dược, còn cần cung cấp đầy đủ thông tin thu được từ các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính hiệu quả và vô hại của nó.”

Bộ Y tế Đức nhấn mạnh trước khi sử dụng vắcxin, cần chứng minh “sự tích cực của lợi ích trước nguy cơ.”

Cơ quan này lưu ý rằng vắcxin của Nga vẫn chưa vượt qua nghiên cứu giai đoạn 3, vì vậy Berlin không đàm phán “cùng phát triển vắcxin" với Moskva.

Trong một diễn biến khác, phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, bà Kellyanne Conway - cố vấn của Tổng thống Donald Trump cho rằng vắcxin ngừa Covid-19 của Nga tụt hậu so với sự phát triển của Mỹ và mới được thử nghiệm cho quá ít người.

Bà Conway trích dẫn các tiêu chuẩn của Nga và khẳng định rằng các tiêu chuẩn của Mỹ nghiêm ngặt hơn nhiều. Bà Conway nói: “Chúng tôi có 6 loại vắcxin tiềm năng đang trong giai đoạn phát triển thứ ba, và chúng (ở Nga) dường như chưa đạt được điều đó.”

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày đã công bố vắcxin ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga.

Vắcxin do Trung tâm N. Gamalei phát triển và được đặt tên là "Sputnik V," ám chỉ vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới vào vũ trụ năm 1957.