Chuyên gia Nga: Vaccine ngừa Covid-19 của Nga đơn giản và hiệu quả

Hà Anh (tổng hợp) 12/08/2020 10:49

Sự xuất hiện của liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga đã thu hút sự quan tâm trên toàn cầu, vì loại thuốc này hứa hẹn không chỉ chấm dứt các ca tử vong liên quan đến Covid-19 mà còn là con đường khôi phục nền kinh tế của một quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik.

Sau gần nửa năm trong cuộc chiến chống lại virus Corona, một tia hy vọng thực sự đã xuất hiện khi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được đăng ký tại Nga. Tuy nhiên, thông tin này không được đón nhận một cách tích cực hoàn toàn trên các phương tiện truyền thông phương Tây, khi một số nước tỏ ý nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của thuốc, và thậm chí cả sự tồn tại của nó, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia.

Nhiều người trong số họ cho rằng, vẫn còn nhiều dữ liệu y tế từ các cuộc thử nghiệm trên người chưa được cung cấp cho công chúng, cũng như quy mô nhỏ của các nhóm thử nghiệm với vỏn vẹn 76 người. Chưa kể việc các thành viên của Viện nghiên cứu Gamaleya đã tự tin vào hiệu quả của vaccine này và tự nguyện tiêm cho mình.

Những nghi ngờ của các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi đối với đôi ngũ bác sĩ đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, những người đặt nhiều hy vọng vào việc tiêm vaccine, ông Sergei Tsarenko, Phó Trưởng khoa Gây mê và Hồi sức tại Bệnh viện số 52, thành phố Moscow cho biết trên Sputnik.

Ông Tsarenko chỉ ra rằng, kháng thể của căn bệnh này (Covid-19) chỉ có thể được hình thành nếu một người mắc bệnh và hồi phục. Theo nghĩa này, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là một cách an toàn và đáng tin cậy hơn để ngăn ngừa tử vong. Ông Tsarenko nhấn mạnh, loại thuốc do Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển có thể được tin dùng.

"Cho đến nay, kháng thể của căn bệnh này chỉ có thể được hình thành nếu một người mắc bệnh và hồi phục. Nhưng cũng có một lựa chọn an toàn hơn đó là chủng ngừa. Có một loại vaccine hiệu quả và an toàn được tạo ra bởi các chuyên gia từ Viện Gamaleya”, ông Tsarenko cho biết và ví von, “Viện nghiên cứu Gamaleya giống như 'Mercedes' trong ngành công nghiệp ô tô”.

“Vaccine Sputnik V về cơ bản bao gồm hai thành phần. Một loại virus adeno vô hại (chất mang) có nhiệm vụ đưa một đoạn của bộ gen Covid-19 (được coi như trạm quỹ đạo) vào cơ thể người. Lúc này, cơ thể con người có thể tạo ra phản ứng miễn dịch nhưng chỉ là ngắn hạn, do đó, cần phải tiêm mũi thứ 2”, ông Tsarenkso giải thích về quy chế hoạt động của vaccine ngừa Covid-19.

"Để làm cho khả năng miễn dịch lâu dài hơn, một một đoạn của bộ gen Covid-19 tương tự cần được đưa vào cơ thể ba tuần sau đó bởi một virus adeno vô hại khác. Kết quả là, cơ thể không tạo ra miễn dịch mạnh đối với một trong hai virus adeno, nhưng tạo thành một lớp bảo vệ mạnh mẽ chống lại corona", bác sĩ Tsarenkso nói thêm.

Theo bác sĩ Tsarenkso, phương pháp này còn được gọi là vectơ virus, được phát triển bởi Viện Gamaleya cách đây rất lâu và kể từ đó đã được thử nghiệm trong một số loại vaccine, cụ thể là vaccine ngừa Ebola và một loại virus Corona khác – MERS.

Chia sẻ thêm về các biến chứng có thể xảy ra do nhiễm virus corona giữa hai lần tiêm, còn được gọi là tăng cường kháng thể phụ thuộc, bác sĩ Tsarenkso cho biết, điều này nghe có vẻ rất kinh khủng đối với những người không có chuyên môn, tuy nhiên, hiện tượng này chỉ mới được phát hiện ở những bệnh nhân có bệnh nền sốt xuất huyết và không liên quan đến việc tiêm chủng.

Trước đó, theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, nước này đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1 tỷ liều vaccine từ hơn 20 quốc gia.

Tốc độ Nga phát triển vaccine ngừa Covid-19 khiến một số nhà khoa học quốc tế nghi ngờ liệu Moscow có đang đặt vị thế quốc gia lên trước sự an toàn hay không. Các nhà khoa học phương Tây hoài nghi rằng các nhà nghiên cứu Nga có thể đã đốt cháy giai đoạn dưới áp lực của chính quyền.

Cùng với đó, các chuyên gia y tế Mỹ, bao gồm cả Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã bày tỏ nghi ngờ rằng vaccine ngừa Covid-19 do Nga sản xuất liệu có an toàn và hiệu quả, đặc biệt là vì laoij vaccine này vẫn chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba.

Hà Anh (tổng hợp)