Họa sĩ 8X vẽ minh họa cho 'Số đỏ' của nhà văn Vũ Trọng Phụng
Nguyễn Thành Phong, người được ví là họa sĩ vẽ truyện tranh số 1 hiện nay, được chọn vẽ minh họa tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Điều đặc biệt nữa, bản in “Số đỏ” lần này được dựa trên bản in năm 1938 tưởng chừng đã “tuyệt bản”...
Tiểu thuyết “Số đỏ” là một tác phẩm đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, bắt đầu bước chân vào làng văn với truyện ngắn "Chống nạng lên đường" đăng trên tờ Ngọ Báo. Năm 1933, trên báo Nhật Tân, ông ra mắt phóng sự "Cạm bẫy người", và một năm sau tiếp tục với phóng sự "Kỹ nghệ lấy Tây", gây được tiếng vang lớn trong dư luận với giọng văn châm biếm, trào phúng...
Tác phẩm "Số đỏ" xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ hạ lưu bỗng chốc đổi đời, nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa những năm đầu thế kỷ XX.
Trong lần trở lại với bạn đọc này, “Số đỏ” có nhiều nét độc đáo. Cụ thể, sách được Đông A in lại theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938) - Đây là bản “Số đỏ” đầu tiên được in đầy đủ và cũng là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống.
Cùng với đó, họa sĩ Nguyễn Thành Phong được mời vẽ minh họa cho bản in “Số đỏ” lần này. Với nét độc đáo, trẻ trung và phong cách dí dỏm, sự kết hợp giữa minh họa của Thành Phong và cuốn "hoạt-kê tiểu-thuyết" (tiểu thuyết khôi hài) của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng hứa hẹn mang đến một ấn bản hấp dẫn, đáng kỳ vọng.
Đánh dấu cho sự trở lại của ấn bản “Số đỏ” quý hiếm này, ngoài bản phổ thông được làm bìa cứng, kèm bìa áo, Đông A sẽ phát hành một số phiên bản đặc biệt để dành cho người chơi sách...
Theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, ban đầu, “Số đỏ” được tác giả ra mắt người đọc dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo (từ số 40, ra ngày 7/10/1936) liên tục 16 kỳ (tương ứng với 16 chương) thì bị dừng (năm 1937, do tờ Hà Nội Báo bị cấm). Bản in của Nhà xuất bản Lê Cường năm 1938 là bản in đầu tiên có đầy đủ 20 chương của tác phẩm. Đến năm 1946, khi tác giả đã mất được 7 năm, tác phẩm mới được in lần thứ hai bởi một nhà xuất bản khác.
Điều này có nghĩa, bản in Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938) là ấn bản đầy đủ đầu tiên và duy nhất có sự tham gia trực tiếp của tác giả Vũ Trọng Phụng.
Tuy nhiên, suốt nhiều thập niên qua, ấn bản này đã không còn trong hệ thống các thư viện lẫn không gặp ở các “tàng thư” khác. May mắn, một nhà sưu tập sách tại TP.HCM đã phát hiện và sở hữu được bản in này. Khi thông tin này được lan truyền, nhiều nhà nghiên cứu rất bất ngờ...
Như vậy, với việc in lại "Số đỏ" từ bản in Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938), bạn đọc đã được tiếp cận một văn bản quý mà ngày nay hiếm người còn được thấy. Điều này vừa có ý nghĩa với giới sưu tầm, vừa cần thiết cho những người quan tâm, yêu mến, hoặc nghiên cứu về tác phẩm và phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng.