Điểm danh hàng loạt các quan chức 'ngã ngựa'

Đức Sơn 12/08/2020 15:42

Sự kiện ngày 11/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khiến dư luận “nổi sóng”. Không chỉ ông Chung, trước đó cũng có hàng loạt quan chức cao cấp ngã ngựa do dính líu đến các vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Dính líu đến 3 vụ án, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác

Ngày 11/8, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị tạm đình chỉ công tác để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, theo điều tra ban đầu, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án.

Cụ thể, vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Vụ án thứ hai ông Nguyễn Đức Chung có liên quan là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP Hà Nội.

Vụ án thứ ba là “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án.

Ông Đinh La Thăng và những phi vụ gây thất thoát nghìn tỷ

Ngày 8/12/2017, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương (cựu Bí thư Thành ủy TP HCM, cựu Chủ tịch HĐQT PVN) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khiến dư luận cả nước xôn xao.

Theo Thông báo của cơ quan Công an, ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt giam do liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Ocean Bank và vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Ngày 26/6/2018, HĐXX Phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng tổng hợp hình phạt của cả hai bản án là 30 năm tù.

Trong khi đang chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật nêu trên, đến ngày 20/1/2019, Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí liên quan đến dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.

Ông Đinh La Thăng sinh năm 1960 ở Nam Định, có học vị tiến sĩ, từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Từ năm 2006-2008, ông Thăng làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN. Năm 2011, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 2016, ông Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2/2016, ông được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Ngày 7/5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá 12 vì những vi phạm khi còn công tác tại PVN. Ngày 11/5/2017, Bộ Chính trị điều động ông Thăng về làm Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ông Đinh La Thăng.

Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và thương vụ nghìn tỷ

Ngày 23/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG).

Theo nội dung vụ án, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone có trách nhiệm chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng các đồng phạm đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, thẩm định giá… trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Hành vi của ông Son, ông Tuấn và các đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước với tổng số tiền thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo quyết liệt cho Trương Minh Tuấn và các bị can khác làm trái quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của nhà nước.

Ông Trương Minh Tuấn cùng với ông Son đã ký văn bản đưa thương vụ vào danh mục “mật” nhà nước và ký văn bản gửi Bộ Công an. Dù biết thương vụ phải tuân theo Luật 67 và 69, thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn theo chỉ đạo của ông Son, ký phê duyệt quyết định cho Mobifone mua AVG.

Tòa án đã tuyên phạt ông Nguyễn Bắc Son án chung thân về tội nhận hối lộ, 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hình phạt là chung thân.

Ông Trương Minh Tuấn bị tuyên 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội nhận hối lộ. Tổng hợp là 14 năm tù.

Liên quan vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ do cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh “bảo kê”, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ kiến nghị Bộ TT&TT trao đổi phối hợp với các ban, ngành liên quan xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn theo quy định.

Ông Trương Minh Tuấn.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giúp tư nhân thâu tóm đất vàng

Ngày 10/7/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, và bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo đó, ông Hoàng bị khởi tố do có sai phạm tại khu đất “vàng” số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP HCM.

Trước khi bị khởi tố ông Vũ Huy Hoàng từng là Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Sau khi ông Hoàng nghỉ hưu, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm.

Cụ thể, ông Hoàng được xác định là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá VN; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco. Vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố.

Ban Bí thư xác định các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban Cán sự Đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Hoàng.

Ông Vũ Huy Hoàng.

Bộ ba lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa gây thiệt hại 17.000 tỷ đồng

Ngày 5/11/2019, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và một số cán bộ ở tỉnh này.

Theo đó, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong 2 nhiệm kỳ và những vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, cùng chịu trách nhiệm về vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Thắng chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.

Ban Bí thư đánh giá vi phạm của ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên là rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên.

Được biết, các ông Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng và Đào Công Thiên đã trực tiếp ký các văn bản về đất đai và đầu tư xây dựng các dự án vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua kiểm tra 23 dự án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện 20 dự án vi phạm, gây thiệt hại ít nhất gần 17.000 tỷ đồng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến “dính chàm” vì Út “trọc”

Ngày 22/10/2019, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự.

Quyết định khởi tố được cơ quan chức năng ban hành khi thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 110 và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), Bùi Văn Nga và đồng phạm về tội: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 21/5/2020, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên phạt đô đốc Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Hiến bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian đương nhiệm.

Bộ Chính trị xác định trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân trong triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của cơ quan này về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm và những đóng góp cho Quân chủng Hải quân, cho Quân đội và đất nước của ông Nguyễn Văn Hiến, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Hiến bằng hình thức cách chức các chức vụ: Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng ủy, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010).

Hàng chục quan chức cao cấp “xộ khám” vì liên quan đến Vũ "Nhôm”

Vụ án liên quan Phan Anh Văn Vũ (Vũ "Nhôm"- cựu sĩ quan tình báo) được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác lập từ cuối năm 2017 khi khởi tố, truy nã ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.

Ngày 30/7/2018, trong phiên sơ thẩm tại TAND Hà Nội, Vũ "Nhôm" bị phạt 9 năm tù, sau được giảm một năm tù trong phiên phúc thẩm.

Hai đồng phạm là Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, cựu trung tướng, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi, cựu phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục Tình báo) bị phạt lần lượt 7 và 6 năm. Cuối tháng 12/2018, trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, với cáo buộc đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng, Vũ "Nhôm" bị phạt 17 năm tù.

Do thâu tóm 7 lô đất “vàng” tại Đà Nẵng và TP HCM, trong tháng 1/2019, Vũ "Nhôm" đã nhận tiếp án tù 15 năm. Liên quan vụ án, hai cựu thứ trưởng Bộ Công an cùng Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách đã phải nhận từ hai năm 6 tháng tù đến 5 năm tù.

Trong vụ án Vũ "Nhôm" và đồng phạm bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà đất công tại Đà Nẵng, Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng), Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng) cùng nhiều cựu quan chức và giám đốc doanh nghiệp.

Giữa tháng 3/2019, thêm hàng loạt cựu quan chức Đà Nẵng bị khởi tố gồm: ông Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng phụ trách xây dựng), Nguyễn Thanh Sang (cựu Giám đốc Sở Tài chính) và bà Nguyễn Thị Thu Hà (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính)…

Với những vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP.HCM có liên quan Vũ "Nhôm", cơ quan Công an đã khởi tố các ông: Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM), Đào Anh Kiệt (61 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM), Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM); Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM)…

Trịnh Xuân Thanh và con đường “quan lộ” thần tốc

Sau 6 năm làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), năm 2013 ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương; Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới tại Bộ Công Thương; Vụ trưởng, chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương.

Tháng 5/2015, ông Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Năm 2016, ông Thanh trúng cử Đại biểu Quốc hội.

Các sai phạm của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh dần bị phát lộ khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin ông được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh. Việc PVC thua lỗ nặng dưới thời ông Thanh quản lý song ông vẫn thăng tiến ngay sau đó được xác minh.

Tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra ( Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính do thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... dẫn đến nhiều sai phạm và thua lỗ số tiền trên trong giai đoạn 2007-2013.

Ngày 8/9/2016, Ban Bí thư biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng với ông Thanh. Ngày 16/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế.

Ông Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).

Sau thời gian bỏ trốn, đến ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Đức Sơn