Bảo vệ môi trường: Tránh chồng chéo, bỏ sót trách nhiệm
Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án luật từ sau kỳ họp thứ 9, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về xử lý vi phạm, về thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường (BVMT) bảo đảm tính thống nhất với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, thanh tra và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị phân định rõ nhiệm vụ của thanh tra môi trường với nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát môi trường.
Liên quan đến ý kiến cho rằng Dự thảo luật còn nhiều điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết; đề nghị không quy định phân tán mà nên quy nạp tất cả quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, UBND các cấp về chương trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Dũng cho biết Thường trực Ủy ban và Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, đối chiếu, rà soát cân nhắc kỹ lưỡng về kết cấu, kỹ thuật thể hiện để rõ trách nhiệm của từng bộ, UBND các cấp, bảo đảm tính đồng bộ giữa yêu cầu và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với BVMT, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng: Luật BVMT có nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, và người dân. Thời gian qua Bộ TNMT đã có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung, và MTTQ Việt Nam đã tổ chức các hội nghị để góp ý, trong đó có nhiều nội dung đã được Bộ tiếp thu.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm làm sao phân cấp rõ hơn trong vấn đề xử lý của cấp Trung ương và địa phương. “Như vừa qua phân cấp cho Chủ tịch UBND xã, huyện nhưng việc xử lý còn vướng, chưa nghiêm, và cần làm rõ trách nhiệm của các cấp. Vì hiện có cảnh sát môi trường, thanh tra, xử lý vi phạm nhưng cái quan trọng nhất chính là xử lý tin báo tố giác của người dân. Như vụ Fomosa, chính người dân đánh cá lặn và phát hiện ra có cống thải dưới biển. Cho nên các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý tin báo tố giác của người dân”- Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay.
Đưa ra dẫn chứng tại cảng Hải Phòng có tình trạng nhập phế liệu về mà không biết chủ là ai, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vấn đề này phải quy định chặt chẽ hơn, nếu lỏng như những trường hợp vừa qua là không ổn, bởi việc nhập khẩu, xử lý phế liệu không đóng góp nhiều cho ngân sách cũng như cải thiện việc làm bao nhiêu.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng: Hiện luật đã có quy định rồi nhưng làm sao ngăn chặn, không để phế liệu rác thải nhập về Việt Nam. Tại một số nước đã không còn xử lý rác thải phế liệu mà ta vẫn nhập để để xử lý, trong khi cái này rất gây ô nhiễm, gây mùi và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Cần có chiến dịch truyền thông, nâng cao ý thức cũng như có những cách thức tạo thuận lợi, khuyến khích người dân về vấn đề BVMT.
“Việc phân loại rác thải phải trở thành ý thức của từng nhà, chứ không phải đến nhà máy mới phân loại. Nếu mỗi nhà có một thùng rác 3 ngăn với mầu khác nhau để phân loại rác thải sẽ rất hay. Muốn người dân có thói quen thì sản xuất, tiêu dùng cũng phải tính đến để người dân quan tâm, phân loại rồi dần trở thành ý thức, phong trào. Cho nên công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người được sống trong môi trường trong lành rất là quan trọng. Nước thải nhà máy phải được xử lý, chưa qua xử lý không được xả thải thẳng ra sông hồ”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.