Lãi suất thời gian tới sẽ thế nào?
Cầm cự trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua thời đại dịch. Vậy phía Ngân hàng có tính toán như thế nào trong thời gian tới?
Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết, tính đến ngày 30/6/2020, công ty còn dư nợ vay ngắn hạn 275 tỷ đồng tại 5 ngân hàng và dư nợ vay dài hạn 714 tỷ đồng (vay ngân hàng và phát hành trái phiếu). Nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay của Vietravel lên tới hơn 41,5 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour lớn, 60 - 80% nhân sự đang nghỉ không lương.
“Điều doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại, bởi doanh nghiệp rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cùng với đó, cần có chính sách giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp” – bà Hòa nói.
Mặc dù đã được VietinBank và Vietcombank cơ cấu giảm lãi suất 2 lần với tổng mức giảm 1,5%, nhưng bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh cho hay, do tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp nên kỳ vọng lãi suất giảm thêm và mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo duy trì mặt bằng lãi suất thấp đến hết năm 2021.
Tăng trưởng tín dụng cho đến nay vẫn ở mức rất thấp. Số liệu cập nhật tính đến ngày 28/7 cho thấy tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 3,45% so với cuối năm 2019, tức không cải thiện nhiều so với mức 3,26% hồi cuối tháng 6.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận xét rằng: “Điều này cho thấy tín dụng vẫn đang ách tắc trong hệ thống bất chấp mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá sâu. Thêm vào đó, việc Covid-19 quay trở lại Việt Nam càng khiến cho triển vọng tăng trưởng tín dụng trong quý III-2020 càng trở nên kém lạc quan".
Do vậy, BVSC cho rằng chính sách tiền tệ của NHNN trong 2 quý cuối năm cần tập trung vào việc tháo dỡ các rào cản tiếp cận vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thay vì chỉ cố gắng giảm lãi suất điều hành như trong 6 tháng đầu năm.
Theo đánh giá của NHNN, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới có thể đẩy kinh tế suy thoái sâu và tác động nặng nề đến kinh tế trong nước. Thực tế thì thị trường trong nước cũng đang phải ứng phó với tình hình tái dịch, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Và những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngành ngân hàng.
Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việt Nam, các ngân hàng được yêu cầu tiếp tục mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Đại diện một ngân hàng thương mại lớn cũng cho biết xu hướng lãi suất thời gian tới là sẽ giảm thêm, do tín dụng tăng thấp, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh, trong khi định hướng của NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.