Rào cản tái đàn lợn
Các chuyên gia về chăn nuôi cho rằng, chừng nào chưa có vaccine phòng chống dịch, chừng đó ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa thể lấy lại phong độ. Mà tái đàn thành công mới là cốt lõi của vấn đề khi giải quyết được bài toán cung - cầu của thị trường…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tốc độ tái đàn lợn vẫn là do dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, trong khi chưa có vaccine phòng bệnh. Do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không áp dụng được triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên vẫn chưa dám tái đàn. Bên cạnh đó, một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch nhưng lại chậm công bố hết dịch.
Đáng chú ý, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại nên người chăn nuôi rất khó duy trì sản xuất, cộng với việc tiếp cận chính sách về đất đai, tín dụng cũng rất khó khăn.
Đặc biệt, hiện nay nguồn lợn giống đang cực kỳ khan hiếm và đắt đỏ. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho hay: Khoảng từ tháng 5 - 9/2019 là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, từ đó đã ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải đến cuối năm 2019 đầu năm 2020 mới tái đàn. Vì vậy, phải đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 mới cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Một rào cản nữa đối với việc tái đàn lợn còn là do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đều ưu tiên giữ lại con giống phục vụ nhu cầu tái đàn nội bộ trong hệ thống của doanh nghiệp khiến lợn giống trên thị trường khan hiếm, giá đắt đỏ. Một con lợn giống lên tới 2,5 - 3 triệu đồng. Mức giá quá “khủng” đối với người chăn nuôi vừa bước qua dịch, còn vô cùng khó khăn.
TS Võ Văn Sự, chuyên gia chăn nuôi - Viện Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh, khi chưa có vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi, mọi nỗ lực tái đàn vẫn rất mong manh. Đó là chưa tính đến việc thời gian qua chúng ta đã mở cửa cho nhập khẩu lợn sống từ Thái về để bình ổn giá trong nước. Thực tế, nhập không được bao nhiêu, nhưng nguy cơ tái dịch là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Sự lo ngại.
Còn ông Nguyễn Kim Đoán, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng: Chừng nào chưa có vaccine phòng chống dịch, chừng đó ngành chăn nuôi vẫn chưa thể lấy lại phong độ như trước. Mà tái đàn thành công mới là cốt lõi của vấn đề khi giải quyết được bài toán cung - cầu của thị trường.
Với những khó khăn như vậy, có lẽ đến hết năm nay vẫn khó có chuyện giá thịt lợn sẽ giảm sâu.