Vì sao nhiều hộ kinh doanh rơi vào ngõ cụt?
Thống kê của Cục Thuế TP HCM trong 4 tháng đầu năm nay có đến 18.627 hộ kinh doanh xin ngừng, nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhiều người còn cho rằng, đó chỉ là con số rất nhỏ, bởi trên thực tế, phần lớn hộ kinh doanh đều có tâm lý chờ hết dịch sẽ hoạt động trở lại mà không đi khai báo. Và đợt dịch thứ 2 này, họ thực sự đã trở nên điêu đứng.
Số thu thuế từ các hộ kinh doanh được cho là đã giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Ngoài ra, có trên 200.000 hộ kinh doanh cá thể bị thiệt hại bởi ảnh hưởng Covid-19 đang được ngành Thuế TP HCM khảo sát để hỗ trợ kịp thời.
Nhưng có lẽ đây không phải là khó khăn của TP HCM, mới đây Tổng cục Thuế có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ thuế do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chính tính “ăn xổi ở thì” của nhiều hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ là một trong những nguyên nhân chính yếu đã dẫn họ đến ngõ cụt khó tránh khỏi khi gặp rủi ro lớn như đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, hiện nay đa phần hộ kinh doanh vẫn làm ăn kiểu lợi ích ngắn hạn, không có chiến lược dài hạn, không có chương trình bài bản, không có đào tạo về nhân lực mang tính chất tư duy hệ thống để phát triển bền vững. Ngoài ra, ý thức và tính kỷ luật của hộ kinh doanh còn thấp. Khi có khủng hoảng như dịch Covid-19 đa phần họ vẫn thụ động về mặt giải pháp, chậm chạp trong việc ứng phó và dường như không có giải pháp thay thế.
Đối với những hộ ngừng kinh doanh 4 tháng qua do dịch có thể thấy do vốn mỏng, lại không có doanh thu trong khi phải trả nhiều chi phí như mặt bằng, điện, nước, lương người phụ việc...nên họ rất nhạy cảm với các biến động và dễ dàng “chết” ngay, không thể cầm cự lâu như các DN có vốn lớn hơn.
Ở một khía cạnh khác, cần phải thấy các hộ kinh doanh đang giải quyết lượng lao động rất lớn cho xã hội. Tình trạng ngưng hoạt động sẽ khiến nhiều người lao động bị thất nghiệp. Ước tính hiện nay trên toàn quốc có khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Điểm đáng lưu ý là dù lộ rõ nhiều mặt hạn chế nhưng hình thức hộ kinh doanh vẫn được nhiều người lựa chọn khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh do đơn giản hơn về chế độ sổ sách kế toán và thuận lợi hơn về chế độ nộp thuế. Quan trọng nhất là hộ kinh doanh có thể áp dụng hình thức thuế khoán nên có khả năng “thỏa thuận với cơ quan thuế” và nhờ đó mức thuế thực tế phải đóng thường rất thấp. Do vậy mặc dù chiếm tới 30,4% GDP nhưng theo ước tính của Tổng Cục Thuế, khu vực này chỉ đóng góp khoảng 1,56% cho thu ngân sách Nhà nước.
Nếu lấy khủng hoảng Covid-19 làm bài học cho các hộ kinh doanh ở Việt Nam thì rất cần những điều chỉnh và cải cách về một loại hình DN tư nhân (DN cá thể/DN một chủ). Điều này sẽ góp phần trả mô hình kinh doanh về đúng vị trí của nó để vừa tránh những rủi ro do khủng hoảng gây ra vừa phát huy hết tiềm năng đóng góp cho Nhà nước.
Gần 1.600 lao động của Công ty Huê Phong mất việc làm
Ngày 12/8, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Quận Gò Vấp, TP HCM cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty TNHH Huê Phong đóng trên địa bàn quận buộc phải thu hẹp sản xuất, tiếp tục cắt giảm 1.577 lao động vào ngày 30/8, trong đó có 198 nữ công nhân đang mang thai.
Ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp cho biết, LĐLĐ quận sẽ mua BHYT hộ gia đình cho các nữ công nhân này. Dự kiến số kinh phí mua BHYT gần 40 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí chương trình chăm lo cho công nhân – viên chức – lao động có hoàn cảnh khó khăn của LĐLĐ quận, vì thời gian này các nữ công nhân lao động không có BHYT để khám chữa bệnh theo quy định.
Đây là lần thứ 3, Công ty Huê Phong phải cắt giảm lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số lao động phải cắt giảm là 4.023 lao động (đợt 1 là 2.222 người, đợt 2 là 224 người và đợt 3 là 1.577 người).
L. Hồng