Nông sản lại gặp khó
Do dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, nhất là khi tỉnh Lạng Sơn đã có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, phía Trung Quốc lại tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát y tế người và hàng hóa qua biên giới. Bởi vậy, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và các cửa khẩu khác lại xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng nông sản.
Trung bình mỗi ngày có hơn 500 xe chở hàng xuất khẩu tồn khu vực cửa khẩu không thực hiện thông quan được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đều giảm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu chỉ đạt hơn 860 triệu USD, giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm 2019.
Thanh Long (An Giang), nhãn lồng (Hưng Yên), mắc ca (Đắk Lắk)… là những nông sản đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu khiến nhiều nông dân điêu đứng, thậm chí phá sản. Thời điểm này, nhiều cá nhân, tổ chức ở các địa phương tiếp tục thực hiện chiến dịch kêu gọi “giải cứu” nông sản như là động thái chia sẻ với người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn này.
Giải pháp này là cần thiết và phù hợp trong thời điểm khó khăn hiện nay, giúp người nông dân giảm phần nào thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng đây cũng chỉ là giải quyết tình thế và rõ ràng là không mang lại hiệu quả lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Từ nhiều năm qua, không phải chỉ khi xuất hiện dịch bệnh mới dẫn đến ùn ứ, dư thừa các mặt hàng nông sản mà việc “giải cứu” nông sản đã trở nên quen thuộc. Do đầu ra bấp bênh nên người nông dân luôn chịu thiệt hại nặng nề.
Mặt khác, theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tập trung nhiều vào Trung Quốc. Vẫn biết, với thị trường có hơn 1,4 tỷ người thì chúng ta cần phải tận dụng lợi thế này. Nhưng nếu để tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa quá lớn, nhất là nông sản vào một quốc gia thì khi có biến động lại rất dễ gặp rủi ro.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường mới cho nông sản, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp nhu cầu và thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị và đặc biệt chủ động trong khâu tiêu thụ.