Sợ trách nhiệm hay làm reo?
Cuối cùng thì sau đề xuất của một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính... “chốt giá” các trang thiết bị y tế, nhất là máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR. Phải chăng, đây là cách mà một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thoái thác trách nhiệm, “làm reo” vì đã có một vài trường hợp bị dư luận xã hội “soi” khi cố tình nâng khống giá, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan để xem xét, quyết định giá “trần” của một số mặt hàng thiết bị y tế, trong đó có các kit xét nghiệm và máy Realtime PCR. Các địa phương sẽ căn cứ vào “giá trần” của Trung ương đưa ra để làm cơ sở xem xét khi mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19.
Hiện, hành lang pháp lý đã khá đầy đủ để điều chỉnh vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có các bộ kit xét nghiệm và máy Realtime PCR, đảm bảo không thể nhấm nháy, tiêu cực gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nếu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng các quy định của Luật Đấu thầu thì sẽ không có bất cứ ai, đơn vị nào có thể nâng khống giá khi mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19. Và tất nhiên cũng sẽ không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào bị truy cứu trách nhiệm “oan” cả.
Song, trong làn sóng Covid-19 lần thứ nhất, một số địa phương đã buông lỏng quản lý, để mặc cho một số cá nhân, đơn vị tự tung tự tác, nâng khống giá trang thiết bị y tế, trong đó có máy xét nghiệm Realtime PCR lên mức giá... trên trời. Chính vì thế một số lãnh đạo các sở, ngành địa phương bị “soi” về giá mua sắm thiết bị y tế, thậm chí lãnh đạo CDC ở Hà Nội đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR.
Thay vì cầu thị, tự ý thức về sự buông lỏng quản lý khiến cán bộ dưới quyền “vượt mặt” để “kiếm chác” tiền ngân sách, lãnh đạo một số địa phương lại đẩy trách nhiệm lên Trung ương đề nghị “chốt giá” máy PCR. Lý do lãnh đạo một số địa phương này đưa ra khi đề nghị Trung ương quyết “giá trần” là để tránh việc dư luận xã hội dị nghị có sự tiêu cực, nhấm nháy, trục lợi khi mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có máy xét nghiệm PCR. Nếu làm đúng quy định của pháp luật, cái tâm trong sáng thì có gì phải sợ?
Việc không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu cái gì cũng đẩy lên khiến Trung ương quá tải thì có cần một bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh ở địa phương hay không? Vậy thì việc phân cấp, phân quyền, các bộ luật sinh ra để làm gì khi không cần dùng tới, chỉ cần cái “gật đầu” của cấp trên?
Dư luận cho rằng, việc một số địa phương cứ “thúc” Trung ương phải “ra giá” các trang thiết bị y tế, trong đó có máy xét nghiệm Realtime PCR, không chỉ đơn giản là sợ trách nhiệm, mà còn là sự “làm reo”. Ý rằng, nếu không định được “giá trần”, địa phương có mua sắm trang thiết bị y tế giá cao thì cũng đừng có mà truy cứu trách nhiệm, đừng có mà “xì xèo”. Trong thời gian chờ Trung ương “quyết” giá, nếu không kịp thời ngăn chặn khiến dịch bệnh lây lan cũng không phải lỗi địa phương...
Tóm lại là với cách hẩy trách nhiệm lên Trung ương như vậy, dù xảy ra bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào thì lãnh đạo địa phương cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Giá mua sắm trang thiết bị y tế cao hay thấp thì đó cũng là do Trung ương quyết định, dịch bệnh có lây lan rộng, có kiểm soát được hay không cũng là do cấp trên có kịp thời “quyết” để địa phương mua sắm các bộ kit xét nghiệm và máy Realtime PCR hay không...
Qua những phân tích ở trên có thể thấy, lãnh đạo một số địa phương dường như không quan tâm đến quy định của pháp luật, không cần thực thi theo pháp luật, mà chỉ muốn trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy cái khó lên Trung ương. Việc không dám làm, không dám chịu trách nhiệm chính là lý do công việc đình trệ, cải cách hành chính chậm, kinh tế - xã hội khó phát triển, nhiều đơn thư khiếu kiện vượt cấp... Nếu chừng nào Trung ương còn “làm hộ” địa phương thì chừng đó sẽ vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ, thậm chí né tránh trách nhiệm.