Tín hiệu khả quan thị trường xuất khẩu lao động
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, 3 thị trường lớn chiếm đến gần 90% số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc vẫn đang có nhu cầu tiếp nhận các lao động Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có 33.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (tập trung chủ yếu ba tháng đầu năm).
Đây là con số thấp kỷ lục nhất từ trước tới nay. Trước thực trạng này, để có thể khôi phục thị trường xuất khẩu lao động, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại những thị trường chính sách hạn chế nhập cảnh được dỡ bỏ, Bộ LĐTB&XH cho biết, tới đây sẽ có văn bản hướng dẫn mở lại thị trường cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này. Trong đó trọng điểm vẫn là 3 thị trường truyền thống: Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Trong hơn 10 năm qua, hằng năm, số lượng lao động Việt Nam sang 3 thị trường này chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, việc khôi phục 3 thị trường nói trên có vai trò rất quan trọng. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đến nay, sau khi tình hình dịch có chuyển biến tích cực, giới chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Thị trường Hàn Quốc và Đài Loan không áp dụng quy định dừng tiếp nhận lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc mà vẫn đang tiếp tục mở cửa thị trường cho lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp ở khu vực này cũng có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về địa điểm cách ly, thời gian cách ly cũng như việc giám sát thực hiện cách ly cho lao động nước ngoài”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Còn đối với thị trường Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới visa cho công dân Việt Nam, bắt đầu từ ngày 29/7. Theo đó, người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống trong nước, sử dụng chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được cấp visa vào Nhật Bản với mục đích lao động, lưu trú dài hạn theo các tư cách: Kinh doanh, quản lý; thuyên chuyển công tác nội bộ; kỹ sư, trí thức, nghiệp vụ quốc tế; điều dưỡng; lao động có trình độ cao; hoạt động đặc định (khởi nghiệp, hộ lý, điều dưỡng, ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng).
Đáng chú ý, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tại thị trường Hàn Quốc đang có những tín hiệu tích cực trong việc mở rộng “Chương trình lao động thời vụ Hàn Quốc”.
Cụ thể ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP cho phép Bộ LĐTB&XH tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện thí điểm “Chương trình lao động thời vụ Hàn Quốc” theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan, ngày 4/8, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Công văn số 2915/LĐTBXH-QLLĐNN hướng dẫn đàm phán ký kết, thực hiện thỏa thuận với địa phương Hàn Quốc để đưa người lao động đi làm việc thời vụ. Đây được xem là tín hiệu tích cực để Việt Nam mở rộng đưa lao động đi làm việc ở thị trường Hàn Quốc.
Trước đó trong hai năm 2018, 2019 việc triển khai thí điểm “Chương trình lao động thời vụ Hàn Quốc” bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Trong giai đoạn này, cả nước đưa gần 1.000 người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Sau 3 tháng làm việc trên đất nước bạn, kết thúc hợp đồng, mỗi người lao động có khoản thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng. Đây là chương trình tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt người lao động nghèo, lao động lớn tuổi và làm nông nghiệp có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao thu nhập.
Theo các chuyên gia lao động, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đối tác tin cậy của Việt Nam trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với gần 50.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, gần 200.000 người đang làm việc tại Nhật Bản. Vì vậy với những tín hiệu tích cực trên thì trong thời gian tới thị trường XKLĐ sẽ sớm được hồi phục.