Phút xúc động tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Đọc điếu văn tại lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, ở vị trí nào, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng luôn thương yêu đồng bào, đồng chí, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Trưa ngày 15/8, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu theo nghi thức Quốc tang.
Tới dự lễ truy điệu và an táng có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Tại lễ truy điệu, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang đã tóm tắt lại tiểu sử và quá trình hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Theo đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá; thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VII, khoá VIII; Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khoá VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội khoá IX, khoá X.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 2h52 phút, ngày 07/8/2020 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Khả Phiêu với nghi thức Quốc tang.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho biết: Trong những ngày qua đã có 946 đoàn, với 11 nghìn người bao gồm đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức cá nhân và quốc tế đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà Tang lễ Quốc gia; Hội trường thống nhất TP Hồ Chí Minh; hội trường Quang Trung tỉnh Thanh Hóa; 27 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế; và 2 đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước của Lào, Campuchia.
Đọc điếu văn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Đảng, Nhà nước đã ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu-một người được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội, trải qua các thời kỳ chiến đấu và xây dựng đất nước, tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội.
Theo Thủ tướng, ở vị trí nào, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng luôn thương yêu đồng bào, đồng chí, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, sâu sát địa phương, cơ sở và có nhiều chính kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
Tại lễ truy điệu, ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ban bảo vệ chăm sóc cán bộ Trung ương, các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đã đến viếng và đưa bố ông về nơi an nghỉ cuối cùng; cùng Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã tới viếng và gửi điện chia buồn.
Thay mặt gia đình, ông Diễn đã có những lời tiễn biệt xúc động: “Thưa bố kính yêu, con xin có mấy dòng tâm sự tuy rằng rất muộn khi bố đã ra đi mãi mãi. Khi những lời tâm sự với bố đã trở nên muộn màng. Con sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố, ký ức tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán, những buổi tối mắt nhắm mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm. Chúng con đã quen với những trận mưa bão tốc mái, bung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngóc ngách. Trong căn nhà vách đất vật lộn chống chọi với mưa bão chỉ có mẹ và 4 bà cháu. Những hiểu biết của con về bố chỉ biết là chú bộ đội đang đi chiến trường, chẳng biết bao giờ về. Chiến tranh kết thúc bố chỉ về phép như bao người lính, sau đó lại tiếp tục lên đường với cuộc chiến biên giới ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế”.
Ông Diễn nghẹn lời: Tiếp bước bố, hai anh em con nhập ngũ và trở thành người lính. Con ra biên giới, ở nhà chỉ có bà, mẹ và chị. Những năm 90, bố, con và em mới được về Hà Nội, gia đình mới được sum vầy đoàn tụ. Nhưng vì là người lính, do điều kiện công tác cũng chưa có lần nào được tâm sự dài với bố. Vì là người lính nên con cũng hiểu sự khó khăn gian khổ của bố và đồng đội. Khi đến thành cổ Quảng Trị nghe kể về cuộc chiến ở đây con cũng cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày từng giờ, đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị Thiên nơi nào cũng in đậm dấu chân của bố.
“Bố luôn nói với chúng con rằng, được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống. Hàng ngàn gia đình bị mất người thân. Nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể ngày trở về. Di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình họ tới tới tận bây giờ. Bố dặn chúng con phải luôn gần gữi với dân. Phải sống xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của nhân dân dù ở bất kỳ cương vị nào. Tổng thời gian được gần gũi tâm sự cùng bố với con tính ra chưa đến 1 năm. Tuy nhiên, với bấy nhiêu thời gian con cũng học tập được ở bố rất nhiều trong công việc và cuộc sống luôn lấy chữ tâm làm trọng. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng qua những việc bố đã làm và qua những câu chuyện kể nhận xét của những người chiến đấu công tác cùng với bố, con càng tự hào về bố hơn. Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống đúng với những lời căn dặn của bố, và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con. Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình”-ông Diễn nói.
Một số hình ảnh tại lễ truy điệu